Tại thời điểm cuối năm 2020, Petrolimex có mạng lưới bán lẻ với hơn 14.000 cửa hàng xăng, dầu. Trong đó, hơn 5.500 cửa hàng xăng dầu (2.700 cửa hàng sở hữu trực tiếp và các cửa hàng đại lý, nhượng quyền) thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex.
Tính chung trên phạm vi cả nước và căn cứ sản lượng xăng dầu thực xuất bán tại thị trường nội địa, Tập đoàn công bố sở hữu 50% thị phần.
Báo cáo tài chính quý đầu năm nay của Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 38.250 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp giai đoạn này gấp hơn 7 lần cùng kỳ, đạt hơn 3.390 tỷ đồng và lãi 736.2 tỷ đồng trong khi quý I/2020 ghi nhận lỗ trên 1.800 tỷ đồng.
Bảng: Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020 (đvt: tỷ đồng).
LNST | Quý I/2021 | Quý I/2020 | Chênh lệch |
BCTC công ty mẹ | 363.1 | -2.315 | 2.678 |
BCTC hợp nhất | 736.2 | -1.813 | 2.549 |
Ban lãnh đạo doanh nghiệp này lý giải, mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái do giá dầu thế giới (WTI) giảm mạnh và liên tục, có thời điểm chỉ còn 20,48 USD/thùng.
Sự việc này ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn bán hàng trong quý I/2020, nên Petrolimex phải trích lập giảm giá hàng tồn kho 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm nay, Covid-19 được kiểm soát hơn, WTI có xu hướng tăng đều, từ 47,62 USD vào đầu quý lên 59,16 USD một thùng vào cuối quý nên hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi.
Dù vậy, lợi nhuận từ một số công ty con của Tập đoàn này (chủ yếu trong lĩnh vực nhiên liệu bay) chỉ đạt 24% so với cùng kỳ vì chịu ảnh hưởng liên đới từ các hãng hàng không chưa hoạt động ổn định trở lại.
Cơ cấu cổ đông của Petrolimex tính đến cuối năm 2020. |
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3 của Petrolimex là hơn 64.500 tỷ đồng, tăng khoảng 3.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm trên 10.400 tỷ đồng.
Tập đoàn này đặt kế hoạch năm nay đạt doanh thu hợp nhất 135.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.360 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 138% so với năm trước.