Doanh nghiệp
Môi trường kinh doanh cho kinh tế số: Công nghệ có thắng quan hệ?
- 12/09/2018 08:52
Những phức tạp trong thủ tục hành chính cùng rào cản kinh doanh khiến doanh nghiệp phân vân trước sự lựa chọn đầu tư cho công nghệ hay quan hệ.
TIN LIÊN QUAN

Vẫn còn thủ tục không biết tuân thủ thế nào

Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Họ Trần (Đà Nẵng) đã thêm một lần nữa phải gửi thư khiếu nại tới Văn phòng Chính phủ. Đã 34 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sơn Shinto với Cục Sở hữu trí tuệ (từ ngày 29/9/2015); 6 tháng 11 ngày kể từ ngày nộp phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (ngày 28/12/2017), Công ty không nhận được phản hồi nào từ Cục Sở hữu trí tuệ.

Môi trường kinh doanh như một con đường, nếu thông thoáng, doanh nghiệp sẽ dám đầu tư để đi nhanh, còn không thì đành tìm cách điền vào chỗ trống...

“Sự chậm trễ này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi”, ông Tâm nhấn mạnh.

Trong lần kiến nghị trước, ông Tâm cho biết, đã không thể mở rộng sản xuất và thị trường do không có được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đương nhiên, sẽ không thể tính hết những thiệt hại doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Cùng trong cảnh chờ đợi như ông Tâm, nhưng Công ty TNHH MTV Sang Tân Tiến (Cà Mau), Công ty TNHH Daesun Vina ở thế phân vân, không biết nên thực hiện thế nào.

Mọi việc vẫn xoay quanh việc doanh nghiệp khổ sở vì không đủ điều kiện gắn phù hiệu xe tải lên xe vận chuyển hàng hóa của Công ty, nhưng lại không biết có được thực hiện như những hướng dẫn mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải với một số doanh nghiệp về cùng một tình huống là không phải gắn phù hiệu. Cách an toàn nhất là doanh nghiệp lại đánh công văn đi hỏi, để nhận lại được văn bản trả lời có tên mình trong phần... kính gửi.

Phải nói thêm, theo quy định hiện hành, từ ngày 1/7/2018, nếu không gắn phù hiệu, lái xe phải chịu mức xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Chủ xe bị phạt 4 đến 6 triệu đồng nếu là cá nhân và 8 đến 12 triệu đồng nếu là tổ chức…

Không thể chập chờn trong 4.0

Cũng như các khiếu nại mà doanh nghiệp gửi tới Văn phòng Chính phủ, mọi việc sẽ được giải quyết rất nhanh và công khai, đúng như cam kết lắng nghe, điều chỉnh kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra ngay khi thiết lập hệ thống tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp.

Song, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chưa cảm thấy an tâm với nhiều văn bản trả lời của các bộ, ngành, nhất là với trường hợp nhiều doanh nghiệp gặp phải, cần xử lý bằng quy định, chứ không thể lẻ tẻ từng trường hợp.

“Trong thời đại mà tuổi của công nghệ tính theo tháng, mà doanh nghiệp phải đợi vài năm cho các thủ tục, suốt ngày phải đánh công văn đi hỏi thì họ sẽ chọn cái gì, cố gắng tìm kiếm các mối quan hệ để giải quyết nhanh các vướng mắc hay đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ”, ông Cung thẳng thắn.

Câu hỏi này đã được ông Cung nhiều lần đặt ra trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi nhận thấy sự nửa vời, chập chờn trong các phương án cắt giảm. Hơn thế, sự chậm trễ trong việc thực hiện yêu cầu cắt giảm cũng là nguyên do khiến ông thực sự lo ngại. Cho tới thời điểm này, vẫn còn tới 2.839 điều kiện kinh doanh có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ, ngành.

“Chúng tôi đã kiến nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã có trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…, nhưng cần gia tăng quy mô và tốc độ thực thi, đảm bảo được tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, không nửa vời trong các giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh là việc này khó, nhưng cương quyết thực hiện để giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển kinh tế”, ông Cung nói.

Có lẽ phải nhìn điểm số mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chấm cho Việt Nam khi xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai để thấy các bước cải thiện môi trường kinh doanh không thể chậm trễ hơn.

Trong chỉ số này, Việt Nam đứng thứ 90/100 về công nghệ và đổi mới; xếp thứ 92/100 về công nghệ nền tảng; xếp thứ 77/100 về năng lực sáng tạo; xếp hạng 70/100 về nguồn lực con người. Tổng cộng, Việt Nam chỉ đạt 4,9 trên thang điểm 10 về mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh hay chậm trong cuộc cách mạng này phụ thuộc vào môi trường kinh doanh có thực sự hậu thuẫn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo hay không”, ông Cung nói.

Tin liên quan
Tin khác