Trao đổi với Đoàn các chuyên công nghệ, nhà khoa học và trí thức của Việt Nam, Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đánh giá, đây là cơ hội tốt để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các Tập đoàn Công nghệ tại đây trao đổi, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, thu hút nhân tài, phát triển công nghệ, tạp lập diễn đàn kết nối mạng lưới với các nhà khoa học, trí thức Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng Ban Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mong muốn trở thành thành phố khoa học công nghệ thông minh, một thành phố có hệ sinh thái, môi trường tốt để phát huy tiềm lực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Theo đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không chỉ là một khu vực tập trung nghiên cứu và phát triển mà còn đầy đủ các khu chức năng với các tiện ích phục vụ cho hàng trăm nhà khoa học tới nghiên cứu, làm việc, sinh sống và giải trí.
"Chúng tôi hy vọng sẽ được đón các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức trên toàn thế giới về đây làm việc tại các Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc", ông Quỳnh nói.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ với các nhà khoa học, trí thức trẻ. |
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ muốn có sự thay đổi lớn, ông mong muốn các nhà khoa học tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có nhiều đóng góp hơn, xây dựng các định hướng phát triển lớn cho Việt Nam, không chỉ dừng lại ở định hướng mà còn có khả năng ứng dụng thực tế, để tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
"Tôi mong muốn sau chuỗi sự kiện "Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018", hàng trăm nhà khoa học, trí thức trên toàn thế giớisẽ liên kết với nhau, hình thành được các nhóm để đóng góp trí tuệ, tài năng hình thành các nhóm như nhóm về tư vấn chính sách, nhóm về trí tuệ nhân tạo AL, nhóm về Big Data, nhóm về IoT...", ông Duy nói.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của các Bộ ngành cũng như tiềm năng, thế mạnh phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, của các Tập đoàn công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và đặc biệt, với nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và trí thức Việt Nam, buổi làm việc này sẽ tạo ra các cơ hội hợp tác, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của nền khoa học và công nghệ của đất nước.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Tập đoàn VNPT, Viettel, FPT...cũng chia sẻ các cơ hội, kinh nghiệm, đề xuất hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm với các chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Vietel cho biết, Viettel hiện đang đặc biệt quan tâm cho mảng R&D với ngân sách hàng năm chi cho R&D 4.000-4.500 tỷ đồng/năm. Viettel cũng có chính sách đặc biệt dành để thu hút, trả lương cho nhân tài, kể cả nhân tài là người nước ngoài, về làm việc cho Viettel.
Các nhà khoa học trẻ cũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ KHCN, các doanh nghiệp về các cơ hội hợp tác trực tiếp trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ. Nhiều câu hỏi, các đề xuất cũng đã được tiếp nhận và trả lời trực tiếp tại cuộc gặp gỡ.
Trước sự kiện này, ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp tổ chức Lễ công bố Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo, nòng cốt tham gia chương trình là 100 người Việt trẻ tiêu biểu là các chuyên gia công nghệ tiêu biểu, trí thức người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài sẽ cùng với các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cùng gặp gỡ, tạo liên kết, trao đổi. Đồng thời, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược về khoa học công nghệ về những ngành, lĩnh vực mà nước ta cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Trước đó, vào sáng 19/8, các nhà khoa học, trí thức trẻ tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gửi nhiều kiến nghị để thúc đẩy hiệu quả hoạt động kết nối.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, trí thức trẻ về môi trường sống và làm việc tại quê hương, để các bạn thỏa sức sáng tạo, thỏa sức cống hiến.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cần tối ưu hóa cơ hội kết nối này, chủ động trao đổi, chia sẻ và hợp tác với các bạn trẻ tài năng, trí tuệ tiêu biểu để hình thành những ý tưởng đổi mới sáng tạo, những chương trình, dự án những kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tạo ra những giá trị mới, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho nền kinh tế.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai đề án xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sẽ có cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước hoạt động.
“Mạng lưới của chúng ta rất mở. Các bạn có thể làm ở nước ngoài, có thể về Việt Nam trong thời gian ngắn hoặc dài, nhưng quan trọng là chúng ta cùng tạo ra các giá trị cho đất nước, kết nối được với các mạng lưới đổi mới sáng tạo trên toàn cầu. Nhưng nếu các bạn trở về nước, các bạn sẽ được thỏa sức cống hiến, sáng tạo ra các giá trị mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.