Thời sự
Mong Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát điều kiện kinh doanh
Khánh An - 27/06/2016 08:15
Chỉ còn 4 ngày nữa (ngày 1/7), hơn 3.000 điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư. Nhiều điều kiện trong số này sẽ được Chính phủ ban hành lại trong 49 nghị định đang được hoàn tất thủ tục để ký ban hành.
TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, công việc rà soát điều kiện kinh doanh vẫn chưa thể kết thúc và mong rằng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt.

Thưa ông, đến thời điểm này, có thể nói, lo ngại về khoảng trống pháp lý về điều kiện kinh doanh đã được giải tỏa…

Mấy tháng gần đây, dưới sức ép của Thủ tướng Chính phủ - sức ép hành chính và sức ép từ dư luận xã hội, doanh nghiệp, các bộ đã “chạy” được đúng thời điểm 1/7.

Vậy còn lo ngại về chất lượng của các quy định này? Trong cuộc họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc đến yêu cầu không sao y điều kiện cũ từ thông tư lên nghị định?

Lo ngại không chỉ là nâng cấp cơ học từ thông tư lên nghị định, mà còn là đưa thêm những quy định thừa, không cần thiết. Điều này sẽ gây thêm chi phí và bất ổn cho doanh nghiệp.

.

Cũng phải nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc rà soát và ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư. Đó là, phải kịp ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Ngoài ra, dù quá trình soạn thảo rút ngắn về thời gian, nhưng không được bỏ qua các bước, nên có đủ cả quy trình lấy ý kiến của doanh nghiệp, qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của cơ quan được giao tổng hợp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực sự, các đầu mối đã làm việc rất có trách nhiệm. Nhưng trong một thời gian ngắn phải đọc, góp ý, thẩm định hàng trăm trang văn bản với các nội dung phức tạp là nhiệm vụ đầy thách thức, không thể nói là không ảnh hưởng đến chất lượng.

Tuy vậy, đã có những sáng kiến rất mới để tối đa hiệu quả trong quá trình này. Cuộc làm việc giữa các bộ, ngành với VCCI, CIEM do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trước cuộc họp Chính phủ về chuyên đê xây dựng pháp luật là một ví dụ. Chưa bao giờ các bộ, ngành và doanh nghiệp, chuyên gia độc lập được tập hợp để xem xét từng điểm một như vậy. Chúng tôi rất mừng vì các kiến nghị đã được tiếp thu đáng kể.

Có thể hiểu là, hệ thống điều kiện kinh doanh sau ngày 1/7 tới sẽ có bước thay đổi lớn như ông đã từng đặt ra sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực 1 năm trước?

Không thể kỳ vọng được sự thay đổi lớn trong khoảng thời gian gấp gáp, các dự thảo đưa ra lấy ý kiến gấp gáp, các ý kiến góp ý của VCCI, CIEM được thực hiện trong thời gian ngắn. Việc tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành với các kiến nghị cũng vậy, chưa thể đầy đủ được. Quan trọng là, có những điểm mang tính bản chất, xoay chuyển được cách thức quản lý nhà nước thì chưa thể làm được.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Các nội dung có sự giao thoa giữa điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ chưa thể tách ra được. Phải nói rõ, điều kiện kinh doanh là tiền kiểm, gánh nặng thực thi đè nặng lên vai doanh nghiệp. Tiêu chuẩn, quy chuẩn là hậu kiểm, với đối tượng kiểm soát là sản phẩm đầu tư của quy trình, trách nhiệm kiểm tra sẽ là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Như vậy, với các dự thảo đã được dựng theo quy trình tiền kiểm, đặt ra các điều kiện kinh doanh thì việc góp ý chỉ là gạt sạn, lọc bớt đá tảng, chứ chưa thể có được sự thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm được.

Nhưng cách làm việc vừa qua cho thấy, đây là quy trình tốt, nếu có thời gian, tập trung nhiều hơn các chuyên gia, doanh nghiệp thì sẽ có sự thay đổi thực sự. Vì với cách yêu cầu các bộ, ngành phải giải trình với doanh nghiệp về những vấn đề còn tranh cãi, các bộ, ngành sẽ phải suy nghĩ để giải trình, phải lý giải được tại sao đưa ra các điều kiện kinh doanh, khi mà các công cụ quản lý nhà nước theo chức trách, nhiệm vụ đã có, từ đó sẽ có cơ hội cho những phương pháp quản lý mới. Không thể chấp nhận vì quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước mà đặt thêm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cho tới thời điểm này, có thể thấy, các bộ, ngành đã hình dung rõ nét hơn về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nếu Chính phủ quyết tâm chuyển sang hậu kiểm thì các công chức sẽ không thể ngồi phòng lạnh để ra các điều kiện kinh doanh như lâu nay, mà phải sát với doanh nghiệp để đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Như vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm sau ngày 1/7?

Chúng tôi hy vọng vào việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 của các bộ, ngành.

Chúng tôi đề nghị rà soát cả 267 ngành nghề trong Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu ngành nào thực sự không còn phù hợp thì loại bỏ ra. CIEM vừa rà soát sơ bộ, có thể loại được hơn 30 ngành nghề ra khỏi Danh mục này, chuyển sang quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Công việc này cần có thêm sự tham gia của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia độc lập. Đặc biệt, mong rằng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt.

Tin liên quan
Tin khác