Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất hiếm khi tổ chức phiên họp bất thường, nhất là trong bối cảnh yêu cầu giãn cách xã hội để chống dịch được nhắc đi nhắc lại từng giờ, ngay cả hội nghị dành cho các vị đại biểu hoạt động chuyên trách đã chốt ngày vẫn phải quyết định dừng.
Nhưng, chuyện liên quan đến miếng cơm manh áo của dân thì khác. Sáng 8/4, phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra, để xem xét đề xuất của Chính phủ về gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid -19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất hiếm khi tổ chức phiên họp bất thường, nhưng mới đây, sáng 8/4, phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra, để xem xét đề xuất của Chính phủ về gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid -19. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp (Ảnh: TTXVN) |
Ngân sách tuy rất khó khăn, nhưng tiền lại chưa phải nỗi lo lớn nhất mà việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sao cho công bằng và kịp thời mới khiến nhiều vị đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực cao nhất đặc biệt quan tâm.
Để ra được chính sách này, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ tham mưu cũng đã phải nâng lên đặt xuống rất nhiều, từ nguồn tiền cho đến đối tượng cần hỗ trợ. Nhưng, dự toán ngân sách 2020 đã được Quốc hội bấm nút từ khi chưa có dịch. Bình thường, một công trình quy mô 10.000 tỷ đồng đã phải được trình Quốc hội xem xét. Nhưng Quốc hội đến tận cuối tháng 5 này mới khai mạc kỳ họp thứ nhất của năm, đó là trong điều kiện bình thường, bối cảnh dịch giã thì có thể còn muộn hơn, như giả thiết Chủ tịch Quốc hội từng đề cập.
Giải pháp linh hoạt cho tình huống cấp bách là Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 – 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân (nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội những vấn đề vượt thẩm quyền của cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 6/4, Chính phủ có báo cáo. Thường vụ Quốc hội quyết định họp bất thường. Ủy ban Tài chính - ngân sách và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng họp bất thường để thẩm tra, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về gói hỗ trợ.
Báo cáo thẩm tra dài hơn 5 trang của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách ba lần nhắc đến dự báo ngân sách năm 2020 rất khó khăn, nhưng có tới 4 lần nhấn mạnh nguyên tắc công bằng trong tổ chức thực hiện gói hỗ trợ. Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng lưu ý hai chữ công bằng, bên cạnh đề nghị tổ chức thực hiện công khai, minh bạch với thủ tục nhanh gọn.
Một số vị đại biểu Quốc hội chia sẻ rằng, sau khi biết thông tin về gói hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh phụ hồ, chị bán hàng rong... đã hỏi: thế khi nào chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ ấy. Họ đều là những đối tượng nằm trong 6 nhóm được nhận hỗ trợ theo đề xuất của Chính phủ, họ không quan tâm đến các thủ tục (thường là khá phức tạp) để đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách đến được tay họ. Họ đang rất rất khó khăn, và một "nắm" họ nhận được lúc này, chắc chắn không chỉ bằng mà còn hơn cả một "gói" khi họ đang có thu nhập từ lao động hàng ngày.
Theo đề xuất của Chính phủ, người thuộc diện được hỗ trợ cao nhất sẽ được nhận 1,8 triệu đồng/tháng. Những đối tượng khác như lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh, được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Vậy hộ nông dân thì sao? Dịch tác động toàn xã hội chứ đâu phải chỉ tác động hộ kinh doanh? Hộ cận nghèo và hộ nghèo có hộ thì 3 người, hộ 5 người, hộ 10 người mà hỗ trợ cứ mỗi hộ 1 triệu đồng thì có cào bằng quá không? Người chạy xe ôm, đánh giày, bán hàng rong, các sinh viên chạy bàn ở quán phở, quán cà phê thì xác định và kiểm soát thế nào?...
Còn hàng trăm câu hỏi khác được đặt ra từ các vị đại diện cho dân, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn nhất trí để Chính phủ triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng còn không ít băn khoăn, song yêu cầu được Chủ tịch nhấn mạnh là chính sách sau khi được ban hành cần tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ”.
"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no" là câu hiếm có người Việt nào không biết.