Doanh nghiệp
Một nền kinh tế mạnh cần có những thương hiệu mạnh
Anh Hoa - 29/08/2018 13:08
Quyết tâm và hành động của Chính phủ, nỗ lực của nhiều địa phương và sự trỗi dậy của những doanh nghiệp tên tuổi đã thể hiện lòng yêu nước, khát vọng làm giàu, vị thế thương hiệu quốc gia để Việt Nam làm nên những điều thần kỳ trong thời gian tới.

Cứ lọt top là vui

Năm 2012, sau khi Country Brand Index công bố bảng xếp hạng các thương hiệu quốc gia danh giá nhất thế giới, Thụy Sỹ giữ vị trí dẫn đầu nhiều chỉ số quan trọng, như về hấp dẫn du lịch, sức hút của văn hóa và di sản, môi trường kinh doanh, chất lượng cuộc sống… xứng đáng là quốc gia được người dân “thèm muốn” nhất toàn cầu. 

Lắp ráp ô tô tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam)

Hẳn nhiên, nhắc đến Thụy Sỹ là nhắc đến những chiếc đồng hồ Omega, Tissot, Longines, Ogival  Rolex… Hay nhắc đến Thụy Điển là biết ngay họ sở hữu nhiều thương hiệu danh giá như Nobel, ABBA, Volvo, Electrolux, IKEA, H&M… Rồi thế giới biết đến Nhật Bản vì thương hiệu Honda, Sony, Toyota; Hàn Quốc là Sam Sung, Hyundai. Tương tự, người ta biết nước Đức qua BMW, Mercedes… và nhớ đến Mcdonald’s, Starbucks, Burger King, Domino’s Piza… của Mỹ. 

Trong khi đó, thi thoảng lại thấy trên mạng xuất hiện bình chọn Việt Nam hay một thành phố nào đó của chúng ta nằm trong top những điểm đến giá rẻ nhất thế giới. Hay có tới 4 đại gia Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes công bố. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup; bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát Group; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải… Và không ít lần, các doanh nhân Việt được thế giới biết qua giải thưởng “Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” do Công ty TNHH Ernst&Young tổ chức.

Nhiều người tự hào, cũng có khi tự nhủ chẳng biết cuộc bình chọn trên có giúp “nâng hạng” hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè doanh nhân thế giới hay không, nhưng cứ lọt top là vui, đáng để gây bão truyền thông.

Về du lịch, giá rẻ đương nhiên sẽ tạo ra tính hấp dẫn và được lựa chọn nhiều. Thế nhưng, về lâu dài, việc Việt Nam gắn với hình ảnh điểm đến giá rẻ sẽ khó thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành du lịch, khó thu hút được thị trường khách cao cấp.

Còn những doanh nhân siêu giàu dĩ nhiên là những người may mắn và biết kiếm tiền dựa trên sự thông minh, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ. Song, Việt Nam vẫn có ít người bộc lộ tài năng kinh doanh đúng nghĩa. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, những người siêu giàu chưa kết thành nhóm, không tạo thành một lực lượng đủ mạnh, bởi họ chỉ nằm trong số chưa đầy 2% doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Những gì Thụy Điển có được, theo ngài Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, là do cả đất nước rất tin tưởng vào sức mạnh của sáng tạo. Việc con người được giải phóng đầu óc và tự do suy nghĩ đã mở đường cho thành công ở nhiều lĩnh vực. Còn trong mắt của bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Hà Nội, thì đất nước xinh đẹp nơi bà sinh ra không có nhiều tài nguyên thiên nhiên và không có biển. Song những điều kiện không mấy thuận lợi đó đã không ngăn cản được đất nước này tự vươn mình để trở thành một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất và người dân được hưởng những tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới. 

Trong số những nguyên nhân dẫn đến sự thành công đáng kinh ngạc này, phải kể đến hai nguyên nhân rất phù hợp với các quốc gia đang phát triển, đó là quản trị nhà nước hiệu quả và một nền giáo dục chất lượng cao.

Tìm động lực phát triển

Theo TS. Vũ Minh Khương (Đại học quốc gia Singapore), động lực phát triển của một dân tộc có thể gói trong ba chữ EEC, là emotion (cảm xúc), enlightenment (sự khai sáng) và coordination (tính phối thuộc). 

Ông Khương thấy khá vui vì xúc cảm và khai sáng của người Việt Nam trong vài chục năm đổi mới vừa qua có sự cải thiện vượt bậc. Ông có thể cảm nhận được điều này khi nói chuyện với những người dân bình thường, trí thức, doanh nghiệp và cả lãnh đạo Chính phủ.

“Đây là bước tiến rất quan trọng để làm tiền đề cho sự trỗi dậy của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính phối thuộc sẽ là trở ngại, thách thức lớn cho Việt Nam”, ông Khương nói.

Tính phối thuộc chặt chẽ phải dựa vào chiến lược phát triển. Nếu một dân tộc hy sinh hàng triệu con người, mất mát qua nhiều thập kỷ vì chiến tranh mà năm 2045 lại tỏa đi các nơi làm thuê là chưa xứng đáng.

Theo ông Khương, thế hệ ngày nay phải xứng đáng hơn với thế hệ đi trước. Việt Nam đang sống trong những ngày đầu của công cuộc cải cách vĩ đại để gần ba thập kỷ tới, vào năm 2045, tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ thực sự cất cánh. “Tôi tin chúng ta có thể làm được điều thần kỳ đó”, ông Khương nói. 

Giới trí thức, giới doanh nhân, mọi tầng lớp nhân dân đều phải có trách nhiệm trong công cuộc đổi thay này. Nhưng rõ ràng, người khởi xướng phải là lãnh đạo.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Chính phủ sẽ tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, thậm chí phải là một chính phủ thân thiện.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp đầu tàu “đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác” như PGS-TS Trần Đình Thiên chia sẻ mới đây. 

Ngoài những đóng góp hữu hình như khoản nộp thuế, những danh hiệu khiến Việt Nam được thế giới biết đến như tỷ phú USD, thì những doanh nhân như vậy dường như mang lại giá trị “vô hình” to lớn. Họ là những người tạo năng lực phát triển, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Sự nổi lên của Hạ Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phú Quốc với tư cách là những trung tâm du lịch có sức cạnh tranh quốc tế, sự trỗi dậy của các tên tuổi tư nhân trong các lĩnh vực của Việt Nam như Hãng hàng không VietJet, ô tô Trường Hải và VinFast, công nghệ thông tin của FPT, hay nông nghiệp công nghệ cao của TH TrueMilk, đến khát vọng biến Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch của Sun Group… là cách thể hiện lòng yêu nước của những người con Việt Nam, tạo thành những năng lực phát triển quốc gia. Những năng lực đó được định hình nhờ các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Nhìn sang Nhật Bản với các Keiretsu, Hàn Quốc với các Chaebol, gần đây là Trung Quốc với các Tập đoàn hàng đầu như Alibaba, Wanda, Tencent... để thấy các “đại gia” Việt Nam cũng đang nỗ lực làm tốt vai trò trụ cột trong việc xây dựng và phát triển lực lượng doanh nghiệp quốc gia. 

Vậy nên, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Vingroup không không chỉ làm ô tô, mà còn là thương hiệu quốc gia là điều dễ hiểu. 

Hơn ai hết, các “đại gia” này tin vào triển vọng phát triển của Việt Nam, tập trung toàn lực để nắm bắt và triển khai cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Và họ là người Việt, là người con của đất nước này, dù có ra đi, lập nghiệp, thành công, có cuộc sống sung túc ở nơi nào đó trên thế giới, sẽ đến ngày họ trở về quê hương mang theo nhiều ý tưởng, sáng tạo, tiềm lực và tham vọng vì một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai. 

Cơ hội trỗi dậy từ thách thức  

Làm thế nào để Việt Nam có thể như một thiên đường để dừng chân. Còn đối với doanh nghiệp, làm sao có thương hiệu bền vững trong các lĩnh vực kinh doanh của họ. Điều đó phụ thuộc vào chiến lược phát triển của Chính phủ, của từng doanh nghiệp. 

Việt Nam muốn trở thành một quốc gia sáng tạo, trung tâm, cầu nối thương mại với thế giới, hay trở thành thiên đường cho công nghệ và khởi nghiệp như Vingroup đang làm với VinTech (nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới)… đến những giá trị được chấp nhận trên toàn cầu như cởi mở và minh bạch? 

Mỗi một lãnh đạo doanh nghiệp hãy luôn tự định vị là người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, từ đó các nhân viên sẽ làm việc với tinh thần không bao giờ từ bỏ.

Chắc hẳn, đội ngũ lãnh đạo, giới trí thức, giới doanh nhân đã có câu trả lời riêng cho mình. Thế nhưng, mọi thứ sẽ không thành công nếu thiếu sự kiên trì và cầu thị, sự sáng tạo, sự đoàn kết, động viên và cổ vũ của toàn dân tộc. 

Việt Nam khó có những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới nếu nhiều doanh nghiệp còn quen lối làm ăn chộp giật, lắt léo, hay một cơ chế vận hành môi trường kinh doanh tranh tối tranh sáng… Những điểm nghẽn đó chắc chắn sẽ khiến những doanh nhân mang khát vọng làm giàu cho quê hương đất nước bị thui chột tinh thần và đến một lúc nào đó sẽ buông lơi. 

Người Việt Nam có điều kiện chinh phục những đỉnh cao mới. Sức mạnh tập thể cần được truyền cảm hứng mỗi ngày. Mỗi một lãnh đạo doanh nghiệp hãy luôn tự định vị là người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, từ đó các nhân viên sẽ làm việc  với tinh thần không bao giờ từ bỏ. 

Chính tinh thần quyết tâm đó đã làm nên những giá trị chưa từng có tiền lệ của các thương hiệu hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 gõ cửa và được dự đoán gây ra nhiều tác động khác nhau, sẽ khiến những doanh nhân bản lĩnh thức tỉnh, mở cửa bước ra thế giới, chấp nhận thử thách bản thân vì cơ hội luôn trỗi dậy từ thách thức. 

Và Việt Nam với tinh thần tự hào dân tộc, sẽ tạo ra làn gió lãnh đạo, doanh nhân trẻ, giàu sức sống và nhiều đột phá hơn.

Tin liên quan
Tin khác