Tăng hiệu suất sử dụng xe, giảm lưu lượng giao thông
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có gần 200.000 xe ô tô và 1,5 triệu xe máy đăng ký mới. Tính đến nay tổng số phương tiện đang quản lý trong toàn quốc có gần 46 triệu xe máy, gần 2,9 triệu xe ô tô. Việc gia tăng liên tục số phương tiện cá nhân là yếu tố chính đang đè nặng lên các đô thị trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển đồng bộ. Để giảm gánh nặng này, việc làm cấp thiết đầu tiên là cần tìm ra một giải pháp tích cực để giảm lưu lượng giao thông mỗi ngày.
Mới đây, ba chuyên gia phân tích hệ thống thông tin tại Trường Kinh Doanh ASU’s W. P. Care, bang Arizone gồm Yill Hong, trợ lý giáo sư; Zhongju Zhang, phó giao sư, và Li, nghiên cứu sinh đã khẳng định dịch vụ chia sẻ chuyến đi chính là một giải pháp như thế. Chia sẻ chuyến đi là hình thức mà những người chủ có phương tiện cá nhân sẽ kết nối với những người có cùng lộ trình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để cùng đi một chuyến xe, từ đó giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.
Trường hợp được lựa chọn nghiên cứu là “hiệu ứng Uber”, với lí do là đây là ứng dụng có sự phát triển mạnh mẽ nhất so với các ứng dụng cùng loại, chỉ sau 5 năm triển khai đã có mặt tại hơn 400 thành phố trên toàn thế giới. Một số dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng lưu lượng giao thông của các thành phố lớn thực sự giảm sau khi Uber gia nhập thị trường vận tải tại đó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đó là một mối quan hệ nhân – quả hay là một sự trùng hợp?
Bắt đầu nghiên cứu các dữ liệu từ thời điểm Uber bước vào thị trường (năm 2011), ba nhà khoa học đã có so sánh vấn đề giao thông trước và sau khi ứng dụng này xuất hiện. Với việc lọc qua hàng trăm bản tin, đối chiếu dữ liệu trên các tìm kiếm từ Google, nghiên cứu 900 kết quả quan sát tại 87 khu vực thành thị qua 11 năm, đồng thời loại bỏ những trường hợp ngẫu nhiên với sự ước lượng một cách cẩn trọng nhất, cuối cùng, họ đã tự tin tuyên bố: “Dịch vụ chia sẻ chuyến đi đang thực sự đang giảm thiểu lưu lượng giao thông. Đây không phải là sự trùng hợp."
Có thể hiểu một cách đơn giản như sau: dịch vụ chia sẻ giúp giảm lưu lượng giao thông bằng cách gia tăng hiệu suất sử dụng xe và giảm số phương tiện cá nhân xuống. Theo một số liệu năm 2014, những chiếc xe thuộc mạng lưới chia sẻ xe nhận trung bình 1,8 người dùng, cao hơn mức 1,1 hành khách của taxi thông thường. Bên cạnh đó, xuất phát từ ưu điểm thuận tiện, tiết kiệm nên nhiều người có xu hướng thay thế việc sở hữu một chiếc xe cá nhân bằng cách sử dụng dịch vụ này. Trung bình cứ một phương tiện chia sẻ sẽ thay thế 9 đến 13 chiếc xe cá nhân. Cùng một số lượng người đi lại, sử dụng ít phương tiện đi, mỗi phương tiện khai thác tối đa hiệu suất, điều đó đồng nghĩa với việc lưu lượng giao thông giảm tải đáng kể.
Tiết kiệm thời gian và nhiê liệu
Ngoài ra, dịch vụ chia sẻ chuyến đi còn được chỉ ra là có những tác động tích cực khác đối với mỗi người tiêu dùng cũng như đối với xã hội
Tham gia dịch vụ chia sẻ chuyến đi, người dùng có thể tiết kiệm thời gian, làm nhiều việc trong lúc di chuyển vì không nhất thiết phải cầm lái, tiết kiệm tiền chi cho nhiên liệu vì một chuyến dành cho nhiều người thay vì mỗi người một chuyến.
Về mặt vĩ mô, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra mạng lưới kết nối giữa người có xe và người có nhu cầu đi lại để thay thế cho phương thức bắt khách dọc đường truyền thống sẽ giúp giảm tình trạng bến bãi, xăng xe chạy không, góp phần tiết giảm lãng phí cơ sở vật chất cho xã hội. Cuối cùng, hệ số tăng giá khuyến khích người dùng di chuyển ngoài giờ cao điểm vừa giúp tiết kiệm chi phí di chuyển vừa làm giảm lưu lượng giao thông trong khung giờ này.
Dịch vụ chia sẻ chuyến đi đã thực sự trở thành một giải pháp tích cực trong quá trình tiến tới xây dựng đô thị xanh kiểu mẫu trong tương lai.