Ngộ độc rượu thường nóng dịp cuối năm và đầu năm |
Cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nêu trường hợp, cơ sở vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.
Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc, vào Bệnh viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Bệnh nhân thứ hai trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sỹ nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân thứ ba cũng bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não.
Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.
Được biết, thời gian qua, Trung tâm Chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng có nồng độ methanol rất cao, chiếm 70-90%. Nhiều đối tượng đã mua cồn này về pha chế thành rượu bán.
Về nhận diện, phân biệt rượu ethanol (rượu thông thường) và methanol rất khó. Cồn methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Bác sỹ Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, ngoài nguy cơ của rượu chứa cồn công nghiệp, thì việc uống quá nhiều rượu cũng gây những tác hại nặng nề. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc tiêu thụ rượu quá mức gây teo não và thoái hóa tế bào thần kinh. Thể tích chất trắng vùng đồi thị và thể tích chất xám vùng tiểu não giảm rõ rệt ở những người lạm dụng rượu.
Khuyến cáo về hậu quả của lạm dụng rượu, Ths. Lê Thị Phương Thảo, Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên người dân không nên uống rượu quá 5 ngày/tuần. Đối với nam không nên uống quá 1 - 1,5 lon bia/ngày; không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày.
Còn theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, người dân hãy lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối. Việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối.
Trong dịp cuối năm, uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, theo các chuyên gia, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Chẳng hạn, nếu uống phải rượu methanol, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.