M&A ngược chiều hướng ngoại
Thị trường công nghệ Việt Nam đã và đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng suy thoái, sa thải toàn cầu. Không còn những thương vụ M&A khủng, không còn làn sóng đổ vốn ào ạt vào start-up như năm 2021. Nhưng vẫn xuất hiện nhiều thương vụ M&A chiến lược vào các doanh nghiệp, start-up giàu tiềm năng.
Điểm nhấn trong bức tranh màu xám này là một số thương vụ M&A ra nước ngoài. Phải kể đến là thương vụ FPT mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của Intertec International (Mỹ) vào tháng 2/2023. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT. Cần nói thêm là, quỹ M&A của FPT dự tính mỗi năm sẽ chi từ 35 - 50 triệu USD mua lại các mảng tiềm năng ở các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh.
“Ông lớn” VNG cũng không kém cạnh. Tháng 2/2023, kỳ lân công nghệ này đã đầu tư 117,3 tỷ đồng để nắm giữ 11,16% quyền sở hữu của OpenCommerce Group (OCG) - một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới có trụ sở tại Singapore. Trước đó, năm 2022, VNG đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies, nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất Đông Nam Á. Cùng thời gian đó, VNG đầu tư vào start-up game tỷ USD Haegin của Hàn Quốc, chính thức “nhảy” vào thị trường Metaverse… Ở danh mục trong nước, VNG đã rót 22,5 triệu USD vào Telio Pte Ltd; 138 tỷ đồng vào DayOne; hơn 131 tỷ đồng vào Ecotruck…
Một đại gia mà thời gian qua không ngừng thực hiện các thương vụ M&A là Masan, thông qua công ty con là The Sherpa, đã đầu tư 105 triệu USD cho 25% tỷ lệ sở hữu tại Trust IQ có trụ sở chính tại Singapore. Trust IQ giúp Masan tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ, trí tuệ nhân tạo trong tiêu dùng tại thị trường Việt Nam và từng bước bành trướng ra thế giới…
Nếu như các ông lớn như FTP, VNG, Masan ra sức thực hiện chiến lược M&A để hoàn thiện hệ sinh thái, mở rộng thị trường, thì các cuộc M&A “nội” diễn ra để “thoát chết” đang diễn ra... trong âm thầm.
Vẫn lạc quan vào tương lai của start-up Việt
Mặc dù thị trường M&A lĩnh vực công nghệ năm qua sụt giảm, song nhiều quỹ đầu tư vẫn tiếp tục đặt cược vào thị trường Việt Nam.
Insider vừa tiếp nhận thêm 105 triệu USD, nâng tổng số vốn lên 274 triệu USD. Quỹ đầu tư này sẽ được sử dụng độc quyền cho mục đích mua lại các công ty công nghệ xuất sắc tại châu Á, bao gồm Việt Nam, để bổ sung công nghệ và tạo ra sự phối hợp giữa các sản phẩm.
Ông Jack Nguyễn, Giám đốc quản lý khu vực Đông Nam Á của Insider cho biết, việc đầu tư thêm 105 triệu USD này được dành riêng để mua lại các công ty tại Việt Nam và xa hơn nữa. Với sự hậu thuẫn tài chính đáng kể này, Insider dễ dàng thúc đẩy đổi mới sản phẩm bằng cách mua lại các công ty có các giải pháp trong ngành, giúp các nhà lãnh đạo tiếp thị và thương mại điện tử tạo ra thêm giá trị, tăng trưởng từ các chiến dịch trải nghiệm khách hàng.
Hay như Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures (Chi nhánh của VinaCapital) đang có kế hoạch ra mắt quỹ đầu tư thứ hai vào năm 2023. Với quy mô khoảng 100 triệu USD, quỹ VinaCapital Ventures II sẽ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn Series A+, Series B và tiền IPO. VinaCapital có thể rót tối đa 10 triệu USD cho từng vòng đầu tư.
Theo ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc điều hành VinaCapital Ventures, Quỹ sẽ tập trung tìm kiếm các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam, liên quan đến các lĩnh vực như tiêu dùng, tài chính, y tế, nông nghiệp và du lịch.
Ông Genping Liu, Giám đốc điều hành Vertex Ventures cho rằng: “Kinh tế vĩ mô toàn cầu có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2023, nhưng chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan và tầm nhìn dài hạn tích cực đối với lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam. Với kinh nghiệm hơn ba thập kỷ đầu tư và phát triển các công ty khởi nghiệp dẫn đầu Đông Nam Á, chúng tôi nhận định rằng Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ. Thế mạnh của Việt Nam bao gồm nguồn nhân tài công nghệ tay nghề cao, những nhà sáng lập kiên định và có năng lực, cùng sự chú trọng vào giáo dục STEM”.
Ông Justin Nguyễn Giám đốc điều hành Mon’t Ventures thì nhận xét, có lẽ đây cũng là thời điểm không thể tốt hơn để thành lập công ty hoặc đầu tư vào các start-up giai đoạn đầu tại Việt Nam. Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi và vai trò ngày một quan trọng của các start-up trong sự phát triển của toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Đồng quan điểm, Vinnie Lauria, Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cho rằng, Việt Nam sẽ tỏa sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức và sẽ tiếp tục vươn lên trong tam giác vàng khởi nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia. Fintech, Insurtech, Healthtech, và Proptech sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ môi trường cũng sẽ được chú trọng khi các yêu cầu về ESG ngày một lớn hơn với nhà đầu tư.