Mua đất nhảy dù sẽ gặp rủi ro lớn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất. Ảnh: Hoài Nam |
Ham rẻ, liều mua đất vườn
Chị Hương, một công chức tại TP. HCM, vừa hủy bỏ kế hoạch mua đất tại Dự án Làng Sen (Long An) của CTCP Phúc Khang để chuyển sang mua đất “nhảy dù” tại phường Long Bình (TP. Biên Hòa). Chị Hương cho biết, khoảng 11 năm nữa chị về hưu, nên muốn chọn cho mình “một nơi sống yên bình nhưng vẫn phải có tí phố xá”.
Lúc đầu, chị dự định mua một lô đất rộng khoảng 90 m2 tại Dự án Làng Sen có giá bán gần 300 triệu đồng. Vẫn suy đi tính lại, chị quyết định mua một mảnh đất vườn tại phường Long Bình có diện tích 105 m2 có giá bán 80 triệu đồng. Dù chưa được kết nối hạ tầng, nhưng chủ nhà cũng đã phân lô và làm đường bê tông trong khu đất.
Chị Hương đã đi khảo sát các khu vực xung quanh và nghe nói có nơi số hộ “nhảy dù”, biến đất vườn, đất đồi thành đất ở lên đến hàng nghìn, nên chính quyền Đồng Nai đành hợp thức hóa những khu đất này để người dân có chỗ ở ổn định.
Chị Hương hy vọng, sau này, khi nhiều người đến ở thì lô đất chị mua cũng sẽ được cấp sổ đỏ. Nếu không được cũng chẳng sao, vì với những lô đất chưa được hợp pháp hóa thành đất ở, việc xây nhà từ 2 tầng trở xuống có chăng cũng chỉ bị chính quyền xử phạt vi phạm hành chính một chút tiền.
Số tiền 200 triệu đồng còn lại chị Hương gửi ngân hàng, với mức lãi suất tiết kiệm khoảng 6%/năm, mỗi năm cũng cho khoảng 12 triệu tiền lãi.
“Đất vườn gần các khu công nghiệp sẽ dễ bán vì số công nhân ở các khu công nghiệp ngày càng nhiều, chủ yếu từ các vùng quê đến nên họ thích ở nhà riêng hơn chung cư”, chị Hương phân tích.
So sánh những khoản đầu tư đất nền thì Long An hay đất xa trung tâm Thành phố mới Bình Dương vẫn có thể chấp nhận được. Còn với khoản đầu tư đất nền tại các quận 12, quận 9, quận 2 thì phải có ít nhất trên dưới tỷ đồng. Đó cũng là lý do nhiều người chọn những lô đất “nhảy dù” để đầu tư.
Chị Hòa, một công chức làm việc tại Bình Dương lại chọn cách mua đất “xen kẹt” bởi tại nhiều vị trí khi có dự án đi qua còn một khoảng đất không thuộc đất dự án, cũng không thuộc diện được quy hoạch đất ở nên có giá khá “bèo”.
Nếu như đất dự án cùng vị trí có giá khoảng 2,6 triệu đồng/m2 thì các mảnh đất xen kẹt này chỉ có giá bán khoảng 500.000 - 700.000 đồng/m2. Thường thì các lô đất này không lớn, khoảng trên dưới 200 m2, vẫn có đủ đường đi lối lại. Chị Hòa tính, nếu không ở thì xây phòng trọ cho thuê cũng là một khoản đầu tư tạm ổn.
Khó chuyển đổi quyền sử dụng đất
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về việc có hay không hợp thức hóa đất “nhảy dù” trong các khu dân cư, ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: “Các trường hợp được hợp thức hóa thành đất ở, tỉnh đã xét đến điều kiện của từng hộ gia đình. Họ đều là những người có đời sống khó khăn, nơi họ ở cũng tồn tại trên thực tế 4 - 5 năm, có nơi hình thành làng xóm thì chính quyền phải hợp thức hóa chỗ ở cho người dân giảm bớt sức ép lên đô thị. Hiện Đồng Nai có khoảng 500.000 lao động, chưa kể số người đi theo. Việc hợp thức hóa các khu đất chỉ nhằm giải quyết chỗ ở cho các đối tượng này, còn với các trường hợp đầu cơ thì không thể. Những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại mua phải đất trong các khu đã được quy hoạch không có chức năng nhà ở cũng không được hợp thức hóa”.
Bên cạnh khó khăn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất, nhiều người mua đất “nhảy dù” vấp phải không ít rủi ro, phiền toái khác. Chẳng hạn, khi mua các lô đất phía trong, dù chủ đất đã cam kết sẽ trừ đường đi rộng tới 12 m, nhưng các hộ phía ngoài cứ thản nhiên lấn ra đường. Do không có tính pháp lý, nên cũng không thể nhờ chính quyền can thiệp hay kiện ra tòa án dân sự.
Dù rủi ro, nhưng người mua đất vẫn quyết định đầu tư vào những lô đất nhảy dù. Cái chính vẫn là giá đất rẻ, việc mua đi bán lại khá dễ dàng.
Chị Hương cho biết, muốn bán lại chỉ cần bớt khoảng 3 - 5 triệu so với giá mua vào là có thể sang tên được ngay những lô đất kiểu này. Vì thế, dù là khoản đầu tư bấp bênh, nhưng nhiều người mua vẫn chấp nhận cuộc chơi mạo hiểm này.