Bên cạnh xăng dầu sản xuất trong nước, có một lượng lớn xăng dầu đang được nhập khẩu đang được tiêu thụ trên thị trường. |
Mua dự trữ, hệ thống kho bãi không đáp ứng
Đã bắt đầu có những đề xuất về việc nên mua xăng dầu dự trữ khi giá dầu trên thị trường thế giới đang ở mức rất thấp. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho rằng, mua dầu thô dự trữ là hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo PVN, với hệ thống kho chứa hiện nay, có muốn mua về nhiều hơn nữa cũng không dễ dàng vì đã gần hết chỗ chứa. Hiện nay, việc sản xuất xăng dầu được thực hiện ở hai nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, với sản lượng đủ cung cấp khoảng 70-80% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh xăng dầu sản xuất trong nước, có một lượng lớn xăng dầu đang được nhập khẩu. Cụ thể, trong quý I, theo Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt trên 1,82 triệu tấn các loại. Còn tổng sản lượng sản xuất của hai nhà máy lọc dầu đạt khoảng 3,145 triệu tấn. Ước tiêu thụ nội địa khoảng 2,6 triệu tấn (tạm tính nhu cầu giảm 30% trong quý I/2020 do Covid-19).
Như vậy, không tính đến tồn kho tại các thương nhân đầu mối thời điểm 31/12/2019, tổng cung trong quý I/2020 đang lớn hơn tổng cầu ước tính khoảng 2-2,4 triệu tấn xăng dầu các loại. Các sản phẩm này nằm trong hệ thống kho chứa tại Việt Nam chuyển sang quý II và các quý tiếp theo.
Chính vì điều này, trong văn bản mới đây gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, PVN cho rằng, lượng nhập khẩu quá lớn đang gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước. Và vì thế, PVN đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, cũng như trong lúc thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang rất khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, lượng xăng dầu trong nước đang tồn dư nhiều, nên khi nhập khẩu về gây lãng phí về tài chính và nguồn lực. Trong vài ba tháng tới, lượng xăng dầu vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Bởi vậy, nếu có nhập khẩu thì nên bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khi lượng xăng dầu trong nước vơi đi.
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
Đưa ra cái nhìn thận trọng hơn về vấn đề nhập khẩu xăng dầu, PGS.TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông đặt ra câu hỏi, nếu nhập khẩu xăng dầu mà kinh tế có lợi thì tại sao phải cấm? Tuy nhiên, theo ông Định, nếu thiệt hại của các nhà máy lọc dầu trong nước lớn hơn lợi ích của việc nhập khẩu mang lại thì cần nghiên cứu tạm ngừng nhập khẩu.
“Chưa thể nói ngay là có nên tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu hay không mà cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, đại diện người tiêu dùng phải cùng trao đổi, đưa ra các số liệu, phân tích kỹ càng rồi mới ra quyết định, sao cho đảm bảo hài hòa nhất”, ông Định nói.
Phân tích kỹ hơn, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi xảy ra tình thế đặc biệt như tình trạng khủng hoảng giá dầu thô thế giới hiện nay, phải chấp nhận một sự đánh đổi. Trong sự đánh đổi này, sẽ có người được lợi, sẽ có người chịu thiệt, nhưng tổng thể lợi ích chung phải được bảo đảm.
Theo ông Thiên, trong thời điểm này, nên coi các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là những tài sản quốc gia, bởi họ đang đóng góp lớn cho lợi ích quốc gia. Điều này không có nghĩa là bảo vệ PVN như một doanh nghiệp độc quyền, mà là trong bối cảnh hiện nay, cần phải giữ cho những doanh nghiệp có vai trò trụ cột kinh tế như PVN, để khi dịch qua đi, nền kinh tế có thể phục hồi.
“Bài toán lợi ích này - Nhà nước phải đứng ra tính, bên nào đóng góp cho quốc gia, lợi ích và thiệt hại đối với quốc gia thế nào (về mặt sản xuất, ngân sách) để có quyết định đúng đắn nhất. Tôi cho rằng tính hợp lý nghiêng về PVN”, ông Thiên đưa quan điểm.
Trong khi tranh luận về việc dừng hay tiếp tục nhập khẩu xăng dầu còn chưa phân định, Bộ Công Thương cho biết, chưa thể nói chuyện cấm nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm hiện tại.
Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy lọc dầu, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải có các giải pháp tổng thể dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp sản xuất - doanh nghiệp kinh doanh - người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các giải pháp cũng phải “phù hợp với quy định hiện hành và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”. Và cũng bởi thế, ở thời điểm hiện tại, Bộ chưa đề cập đến việc hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu.