Dù dự án nhan nhản mọc lên… |
Ra trường cách đây cả chục năm, lăn lộn qua đủ loại nhà trọ từ Từ Liêm, đến Hoàng Mai, rồi Hà Đông, mới đây, vợ chồng Trung Đức, người bạn thân của tôi từ thời cấp 3 mới dám quyết chuyện mua nhà với số tiền tích cóp được khoảng 500 triệu đồng.
Vợ làm giáo viên, chồng làm kiến trúc sư. Thu nhập không thấp, nhưng với cặp vợ chồng 2 bàn tay trắng từ quê ra, thuê nhà, nuôi 2 con nhỏ, quả thực, dành dụm được số tiền ấy là một nỗ lực lớn. Vì thế, khi nghe tin vợ chồng Đức quyết mua một căn hộ chung cư tại Hà Đông và phải vay đến gần 800 triệu đồng, nhiều người cũng cảm thấy ái ngại cho vợ chồng cậu.
Nhưng rồi vợ chồng Đức vẫn quyết, vì theo cậu, suốt mấy năm vừa rồi, chỉ vì chuyện nhà cửa khiến vợ chồng phải đau đầu, thậm chí phát khóc khi gặp những chủ trọ oái oăm. Để tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng cậu thuê những căn phòng cấp 4, lợp mái tôn. Hè đến, căn phòng nóng như lò xông hơi, nhưng điều hòa chưa bao giờ dám lắp, vì điện chủ trọ tính tới 4.000 đồng/số.
Đức kể: "Mỗi lần chuyển chỗ trọ, hai vợ chồng lại lóc cóc chở xe máy từng chuyến đồ, leo bộ lên những chiếc cầu thang dốc đến nghẹt thở. Bẩn thỉu, hôi hám, đắt đỏ, lo ngại trộm cắp hoành hành… Đó là những gì vợ chồng mình đã trải qua suốt một thời gian dài. Nhưng quan trọng nhất, đó không phải là nhà mình. Không thể chăm chút hay giữ gìn như mái ấm thực sự".
Tất nhiên, vay một khoản lớn như vậy sẽ là một áp lực không nhỏ với vợ chồng Đức, nhưng cậu cho rằng: "Có nhà vẫn hơn, cứ vạ vật suốt đời, phải đi ở thuê rất mệt mỏi. Chưa kể, biết đâu mua nhà, đổi vận, công việc sẽ tốt đẹp hơn, thu nhập tốt hơn".
Thực tế, chuyện "an cư, lạc nghiệp" như vợ chồng Đức không hiếm, nhưng không phải ai cũng dám quyết như vợ chồng cậu, bởi thêm một chút tiền là một chút lo.
Nhiều người dân tỉnh lẻ về Thủ đô sinh sống, lập nghiệp, chắt chiu dành dụm để mong có được chỗ “chui ra, chui vào”. Tuy nhiên, khi tích cóp được một khoản vừa đủ và quyết định để mua nhà, thì giá bất động sản tăng cao, ngoài tầm với của nhiều người.
Cách đây vài năm, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, thị trường bất động sản Hà Nội xuất hiện hàng loạt dự án chung cư giá rẻ của Tập đoàn Mường Thanh, Phúc Hà, Geleximco…, với giá bán trên dưới 12 triệu đồng/m2, tương đương dưới 1 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, người mua được vay vốn hỗ trợ đến 50%, thậm chí 70 - 80% giá trị căn hộ, nên hầu như các dự án được mở bán trong giai đoạn này đều được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, đặc biệt là cuối năm 2015 và trong năm 2016, phân khúc nhà vừa túi tiền đã bị lu mờ trước phân khúc trung và cao cấp. Kể cả với những dự án được coi là nhà ở giá rẻ, hiện mặt bằng giá cũng đã được đẩy lên, thấp nhất cũng 15 - 16 triệu đồng/m2. Chưa kể, để mua được căn hộ ưng ý, người mua có thể mất thêm hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu tiền chênh.
Những tháng cuối năm 2016, Tập đoàn Vingroup bất ngờ công bố “lấn sân” sang phân khúc bất động sản giá bình dân bằng việc ra mắt thương hiệu VinCity. Dự kiến, trong 5 năm tới, tập đoàn này sẽ triển khai từ 200.000 - 300.000 căn hộ giá rẻ. Ngay sau Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh cũng tuyên bố sẽ bán các chung cư tại Hà Nội với giá chỉ từ 500 triệu đồng/căn.
Dù còn chưa tưởng tượng ra một căn hộ giá rẻ của hai chủ đầu tư, một “chuyên trị” hạng sang, một xưa nay vẫn trung thành với phong cách nhà “hộp diêm” này sẽ như thế nào, nhưng với những động thái trên, có thể hình dung, thị trường bất động sản 2017, nhà giá rẻ rất có thể sẽ là phân khúc chủ đạo.
… nhưng với nhiều người, nhà thủ đô vẫn là những “món quà” ngoài tầm với |
Do đó, là một “tay chơi” chính trên thị trường, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kế hoạch của Vingroup có thể tạo cú huých quan trọng cho thị trường những năm tới. Đồng thời, sẽ kéo theo sự tham gia đông đảo hơn của các đại gia địa ốc khác nhảy vào phân khúc này, qua đó dần san bằng sự lệch pha cung - cầu, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, chính sách phát triển nhà giá rẻ hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là về nguồn vốn. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, vẫn chưa có gói tín dụng hỗ trợ nào được triển khai, khiến thanh khoản các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội gần như bị tắc nghẽn, bởi thiếu nguồn vốn tín dụng giá rẻ hỗ trợ.
Vì thế, nếu cơ quan quản lý không sớm xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi mới, thì giấc mơ mua nhà an cư của người lao động tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chỉ là giấc mơ “xa xỉ”.