“Miếng bánh” 39 tỷ USD
Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19 của Lazada Việt Nam, năm 2021 là một năm khởi sắc với nền kinh tế số toàn Đông Nam Á, trong đó, TMĐT là động lực tăng trưởng chính.
Dẫn số liệu từ Statista, Lazada cho biết, giá trị thị trường TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD (năm 2015) lên 120 tỷ USD (năm 2021) và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Riêng thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD (năm 2021) lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Các chuyên gia xây dựng báo cáo chỉ rõ, sự tăng trưởng này đến từ xu hướng mua sắm hàng hóa trên sàn TMĐT, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí. Đặc biệt, nhờ đầu tư mạnh vào hệ thống logistics nội bộ, các nền tảng TMĐT đã giải được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng hóc búa trong năm qua.
Về phía khách hàng, trong năm 2021, người dân đã thay đổi nhiều thói quen và hành vi tiêu dùng. Theo báo cáo của Lazada, 58% người tiêu dùng Việt tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì, bởi 53% khách hàng thừa nhận, mua hàng trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) đánh giá, trong năm vừa qua, TMĐT đã trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Doanh thu TMĐT đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất Đông Nam Á.
Xu hướng kết hợp kênh trực tuyến và truyền thống
Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ, các làn sóng dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến hành vi tiêu dùng và hình thành xu hướng mới. Tiếp nối năm 2021, 5 xu hướng trọng tâm được dự báo tác động đáng kể đến hệ sinh thái TMĐT trong năm 2022, bao gồm: social commerce (bán hàng trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp); UGC (nội dung do người dùng sáng tạo); cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; thanh toán kỹ thuật số và mua sắm đa kênh.
Theo đó, các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động giải trí kết hợp mua sắm sẽ thúc đẩy doanh số…
Đặc biệt, đa kênh là hình thức bán lẻ mới, tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn, gói hỗ trợ giao hàng và hỗ trợ người bán từ sàn TMĐT, giúp người bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Đề cập xu hướng phát triển của TMĐT, bà Trần Thị Thùy Dương, Trưởng bộ phận Tiếp thị số (Công ty cổ phần Công nghệ Sapo) cho biết, bán lẻ kỹ thuật số tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động...
Từ đó, bà Dương khuyến nghị, ngành bán lẻ nên sử dụng tự động hóa tiếp thị để tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng.
Còn theo phân tích của bà TraceyRyan O'Connor, Phó chủ tịch Tập đoàn Qubit, năm 2022, khi hoạt động khám phá sản phẩm được cá nhân hóa, trải nghiệm tại cửa hàng (mua sắm truyền thống) và mua sắm trực tuyến sẽ hợp nhất, khiến TMĐT bùng nổ.
“Trong khi người mua sắm đang quay trở lại các cửa hàng thực, chúng tôi không nhận thấy sự suy giảm trong mua sắm trực tuyến trên thực tế, mà đang thấy sự tăng trưởng liên tục... Ngay cả khi đại dịch kết thúc, mua sắm trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục nở rộ vì hành vi này hiện đã ăn sâu và trở thành thói quen của người tiêu dùng”, bà O’Connor phân tích.
Từ đó, bà O’Connor khuyến nghị, năm 2022, các thương hiệu cần thích ứng với mua sắm kết hợp trực tuyến và truyền thống để phù hợp với những bước phát triển vượt bậc mà TMĐT đã đạt được.
Có thể thấy, xu hướng bán hàng truyền thống kết hợp TMĐT trải nghiệm sẽ là một động lực, thách thức mới cho các sàn TMĐT trong năm 2022. Điều này cũng có nghĩa, các sàn TMĐT phải đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn cho công nghệ để dẫn dắt cảm xúc, cảm hứng của khách hàng. Đồng thời, cũng sẽ xuất hiện sự cạnh tranh đến chính từ các nhà sản xuất, nhà phân phối truyền thống, hứa hẹn tạo ra cuộc cạnh tranh thú vị trên thị trường.
“Từ khi dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn thương mại điện tử tăng mạnh. Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng Internet, trong đó, gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng”, ông Dũng cho hay.