Những năm gần đây, mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) bắt đầu trở thành loại hình thanh toán được người trẻ ưa chuộng. Dù có nhiều điểm tương đồng với hình thức trả góp hay vay tín dụng truyền thống, BNPL vẫn nổi trội hơn vì thủ tục xét duyện nhanh chóng và không phát sinh nhiều phụ phí.
Talkshow về BNPL do Báo Đầu tư tổ chức |
Việt Nam - “Miền đất hứa” để phát triển BNPL
Hiểu đơn giản, BNPL hay các hình thức trả góp qua thẻ tín dụng, qua công ty tài chính đều xuất phát từ việc người dùng vay một khoản tiền tương đương giá trị của món hàng, sau đó hoàn trả khoản vay theo cam kết của ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính.
Tại Việt Nam, BNPL đã được triển khai đồng thời trên cả 4 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.
“Với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, việc xuất hiện thêm các hình thức thanh toán mới sẽ góp phần làm thị trường sôi động hơn. Cá nhân tôi cho rằng hình thức mua trước trả sau sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu 50% thanh toán không tiền mặt vào năm 2025, theo tinh thần Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn An Sơn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ tại talkshow về BNPL do Báo Đầu tư tổ chức gần đây.
Tại talkshow, các diễn giả đều đồng ý rằng một quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ sở hữu nhiều tiềm năng triển khai BNPL, nếu so với các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Úc hay một số nước châu Âu.
Ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO Fundiin, phân tích rằng ở các nước đã phát triển, tỷ lệ dân số sử dụng thẻ tín dụng khá lớn, chiếm từ 50-70%. Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ 5% dân số tiếp cận thẻ tín dụng cũng như tính năng quẹt thẻ để thanh toán không mất phí sau 30-45 ngày.
“Như vậy, Việt Nam ngay lập tức sở hữu tiềm năng lớn để đẩy mạnh loại hình thanh toán này, thậm chí lớn hơn cả các quốc gia đã phát triển”.
Tương tự, ông Michal Skalicky, Giám đốc Quan hệ Khách hàng Home Credit, cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào thị trường BNPL của Việt Nam, nơi thanh toán tiền mặt đang được thay thế dần bằng các hình thức khác và hệ thống thương mại điện tử phát triển tạo cơ hội để thu được nguồn dữ liệu lớn về khách hàng.
Theo Research and Markets, thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1123,9 triệu USD vào năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng hơn gấp 21 lần, từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên đến 10.528,1 triệu USD vào năm 2028.
“Tôi tin dù mới phát triển ở Việt Nam nhưng hình thức BNPL sẽ phổ biến trong vòng 3 năm tới”, đại diện Home Credit khẳng định.
Với một thị trường mới nổi như Việt Nam, tiềm năng luôn đi kèm nhiều thách thức và loại hình thanh toán BNPL cũng không ngoại lệ.
Ông Nguyễn An Sơn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng thách thức chung của thương mại điện tử cũng là thách thức BNPL phải đối mặt. Trước hết tỷ lệ thanh toán COD (trả tiền khi nhận hàng) vẫn còn cao, ước tính khoảng 73%. Trong khi đó, 27% còn lại đều là những người đã có thu nhập ổn định, có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng. Vì thế, họ có khả năng chi trả ngay cho các món hàng mà không cần đến hình thức BNPL.
Thứ hai, các hình thức trả góp sẽ phát huy hiệu quả với đơn hàng giá trị trên 3 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng đơn hàng như vậy chỉ chiếm tỷ lệ 40-43% trên sàn thương mại điện tử và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quy mô thị trường BNPL.
Thứ ba, một vài vụ việc lừa đảo liên quan đến mô hình cho vay ngang hàng sẽ ảnh hưởng đến các hình thức thanh toán còn mới hiện nay, trong đó có BNPL.
“Để khắc phục, tôi cho rằng vấn đề hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ BNPL là giải quyết niềm tin cho người tiêu dùng. Khi họ có niềm tin, và hoạt động thanh toán này phù hợp với quy định của nhà nước, các vấn đề khác sẽ được tháo gỡ”, ông Sơn khẳng định.
Ngoài ra, các diễn giả tại talkshow đều đồng ý rủi ro lớn nhất với thanh toán BNPL là khách hàng không thể trả nợ. Do đó, cần có cơ chế định danh người dùng trên không gian mạng, cũng như chấm điểm công dân thông qua hoạt động tín dụng hay lịch sử mua hàng để tránh tình trạng “nợ xấu”.
“Trong phương thức thanh toán truyền thống, khi một cá nhân làm việc với ngân hàng, luôn có thang điểm tín dụng CIC để đo mức độ rủi ro khi vay vốn. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL có thể nghĩ đến chuyện chấm điểm người mua, người bán. Một số quốc gia hiện đã chấm điểm công dân hay như các giao dịch lớn nhỏ trong fintech đều liên kết đến lịch sử ngân hàng của cá nhân. Đây là một số gợi ý để hoạt động thanh toán diễn ra an toàn”, ông Lê Văn Dương – Luật sư thành viên công ty Luật Indochine Counsel chia sẻ.