Điểm nóng
Mức thuế với thuốc lá hợp pháp càng cao, buôn lậu càng nhiều
Hoàng Nam - 24/04/2022 14:06
Nếu chỉ tăng thuế đối với thuốc lá hợp pháp, thì sẽ không giải quyết được tình trạng buôn lậu thuốc lá, và khi lơi là việc chống buôn lậu, thì thuốc lá lậu càng phát triển mạnh hơn.
Nạn thuốc lá lậu đang quay lại với những diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Một lô thuốc lá lậu bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật

Chống buôn lậu: phải từ cửa khẩu tới thị trường nội địa

Theo ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), việc kiểm soát biên giới chặt chẽ để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến lượng thuốc lá lậu bị bắt trong năm 2020 tăng gấp đôi năm 2019, với khoảng 14 triệu bao.

Báo cáo của VTA cũng chỉ ra, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả trên toàn quốc.

Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và thâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.

Đại diện Công ty liên doanh BAT - Vinataba cho rằng, hiện tại, kinh phí hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu từ VTA đã đóng góp rất nhiều trong công tác thực thi, nhưng vẫn chưa đủ. Bởi vậy, cần trích một phần kinh phí trong Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho công tác phòng, chống thuốc lá lậu, vì thuốc lá lậu chiếm số lượng không nhỏ trên thị trường thuốc lá.

Lượng thuốc lá lậu bị bắt nhiều, nên lượng tiêu hủy tăng theo. Ông Song Young Jae, Tổng giám đốc Công ty liên doanh BAT - Vinataba cho hay, lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy trong năm 2020 là 6,26 triệu bao, tăng mạnh so với con số 1,35 triệu bao trong năm 2019.

Khảo sát năm 2020 của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, thị phần ước tính của thuốc lá lậu đã giảm khoảng 1,9% trong năm 2020, dù vẫn còn ở mức cao với khoảng 17,5% thị phần, tương đương 600 triệu bao.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh giảm, nạn thuốc lá lậu đã quay lại với những diễn biến phức tạp. Cụ thể, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao thương, đồng nghĩa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại cũng tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà thuốc lá lậu là một đối tượng.

Chia sẻ thực trạng này, ông Vũ Duy Hòa, Phó giám đốc Công ty Thuốc lá Sài Gòn cho biết, trong thời gian chống dịch Covid-19, thuốc lá Hero nhập lậu được bán trên thị trường với giá 25.000 - 30.000 đồng/bao, thuốc lá Jet giá 40.000 đồng/bao, thì nay Hero chỉ còn 15.000 đồng/bao và Jet chỉ còn 18.000 đồng/bao. Điều này cũng có nghĩa là, thuốc lá lậu đã tràn vào thị trường trong nước nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, mặt hàng thuốc lá luôn được Ban Chỉ đạo 389 xem là quan trọng, cần phòng, chống ngay từ biên giới lẫn trong nội địa. Nhưng trên thực tế, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc, nên sau một thời gian ra quân xử lý, thì hoạt động buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường ở một số địa phương miền Nam có tình hình buôn lậu thuốc lá phức tạp như Long An, Đồng Tháp cũng cho biết, hiện cơ quan quản lý thị trường còn gặp khó khăn trong việc xử lý, bắt giữ thuốc lá lậu vì đa số là vắng chủ. Vì vậy, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm đối với các trường hợp không xác định được chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, có hiện tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam, nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.

Nhằm giảm buôn lậu trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng cũng cho rằng, cần có cơ chế thu hút đầu tư sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu. Dẫu vậy, đây là giải pháp không dễ dàng, bởi các vùng biên giới thường là vùng sâu, vùng xa, hạ tầng nhiều nơi chưa phát triển, nên việc thu hút nhà đầu tư tới không dễ dàng.

Để chống thuốc lá lậu hiệu quả hơn, việc phạt mạnh tay với các sản phẩm thuốc lá lậu tại thị trường trong nước được cho là giải pháp căn cơ, bởi khi đầu ra bị truy soát, xử lý mạnh tay, dù là bán hàng nhỏ lẻ, thì đầu vào cũng sẽ giảm theo.

“VTA kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu và nên thực hiện thường xuyên, liên tục, bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện”, ông Hồ Lê Nghĩa nói.

Buôn lậu thuốc lá: lợi nhuận có thể lên tới 400%

Chia sẻ thực tế khó khăn trong chống buôn lậu thuốc lá, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhận xét, thực tế cho thấy, đã có rất nhiều biện pháp ngăn chặn buôn lậu thuốc lá được triển khai toàn diện, từ việc kiểm soát ở cửa khẩu đến kiểm soát trong nước. Các lực lượng thực thi cũng cố gắng nỗ lực triển khai, nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá có vẻ vẫn không suy giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng, để lại nhiều hệ lụy.

Trong khi chống thuốc lá lậu chưa hiệu quả, thì cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để vừa tăng thu ngân sách, giảm cầu và giảm các thiệt hại, hệ lụy khác về mặt xã hội từ mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên, với thực tế chống buôn lậu thuốc lá như đề cập ở trên, thì việc tăng thuế sẽ càng làm cho thuốc lá sản xuất hợp pháp gặp khó khăn và tạo cơ hội cho thuốc lá lậu mở rộng thị phần.

VTA đề nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hợp pháp

Tại Hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 13/4/2022, VTA đề nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hợp pháp để các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu. Việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2025 trở đi, phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Vũ Duy Hòa cho hay, Công ty Thuốc lá Sài Gòn có tới 80% sản phẩm ở phân khúc trung cấp, có mức giá khoảng 15.000 đồng/bao đang phải chịu tác động lớn từ thuốc lá Jet và Hero nhập lậu. Cụ thể, nếu Công ty bán ra một gói thuốc lá với giá 14.000 đồng, thì riêng tiền thuế, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và phí phòng, chống tác hại của thuốc lá đã chiếm khoảng 50% giá bán ra, tức khoảng 7.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá thuốc lá Jet nhập lậu trên thị trường hiện chỉ có giá 18.000 - 19.000 đồng/bao, thay vì phải bán tới 36.000 đồng/bao nếu được sản xuất hợp pháp và nộp đủ thuế cho Nhà nước. Vì vậy, sản phẩm của Công ty Thuốc lá Sài Gòn không thể cạnh tranh với Jet nhập lậu trốn được thuế, vì không có cùng mặt bằng chi phí sản xuất.

Sự có mặt của thuốc lá lậu với giá rất cạnh tranh khiến sản lượng thuốc lá sản xuất hợp pháp bị thu hẹp, giảm thị phần, dẫn tới thuế đánh vào mặt hàng thuốc lá sản xuất hợp pháp bị ảnh hưởng theo. Ước tính, thuốc lá lậu gây thất thu thuế khoảng hơn 7.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách.

Phân tích dưới góc độ kinh tế, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, phải nhắc tới mối quan hệ của việc buôn lậu thuốc lá với trốn thuế, bởi như VTA cho hay, buôn lậu thuốc lá có thể mang lại lợi nhuận tới 400%, nên rất nhiều người bị hấp dẫn, nhất là những người dân nghèo vùng biên giới không có thu nhập ổn định.

“Thuốc lá hợp pháp là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, ở đây, cần nhìn thấy là, khi công tác chống buôn lậu thuốc lá chưa thực sự hiệu quả, có nhiều điều còn phải rút kinh nghiệm, thì chính sách thuế với thuốc lá sản xuất hợp pháp cần được điều chỉnh để làm giảm động lực của những người đi buôn lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước kiểm soát chất lượng”, GS-TS. Hoàng Văn Cường chia sẻ. Ông Cường cũng đồng ý với ý kiến của đại diện Công ty Thuốc lá Sài Gòn là cân nhắc tăng thuế ở mức độ nào đó.

Cho rằng, tăng thuế đối với thuốc lá phải đi đôi với xử lý tốt chống buôn lậu mặt hàng này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, nếu chúng ta chỉ tăng thuế với thuốc lá sản xuất hợp pháp, thì không giải quyết được vấn đề, nhất là nếu bỏ quên việc chống buôn lậu, thì thuốc lá lậu càng phát triển mạnh hơn, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt.

Ngoài ra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành đề nghị sử dụng một phần kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào hoạt động chống buôn lậu thuốc lá, thuốc lá giả, gian lận thương mại hiện nay, khi các hành vi này đang gây tổn hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi chất lượng thuốc lá lậu, thuốc lá giả không được giám sát, kiểm định.

Trong những năm gần đây, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vào Việt Nam đang dần phổ biến. Theo dữ liệu khảo sát thị trường, ước tính tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá thế hệ mới vào năm 2021 là 1% (khoảng 280.000 người).

Khoảng 90% thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vào Việt Nam là sản phẩm thuốc lá điện tử, còn lại là thuốc lá làm nóng. Tất cả đều là hàng nhập lậu qua biên giới, hoặc được mua bán online trên các trang thương mại điện tử, gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng đến ngành thuốc lá và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng về quản lý chất lượng, giá cả sản phẩm.

VTA cũng kiến nghị Bộ Công thương sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá để có cơ sở pháp lý rõ ràng nhằm quản lý chặt chẽ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác