LTS: Từ tuần này, Quốc hội họp trực tiếp để thảo luận về kinh tế - xã hội và tiến hành chất vấn. Báo Đầu tư xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của GS-TS. Trần Ngọc Thơ bàn về mục tiêu kép (vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế) cùng phản ứng chính sách nhằm thực hiện mục tiêu nói trên.
Cú sốc Covid-19 khiến các lĩnh vực hàng không, nhà hàng và logistics bị tác động mạnh. |
NIỀM TIN CHIẾN LƯỢC
Niềm tin của nhân dân và các nhà đầu tư vào chính sách chống dịch như thời chiến của Chính phủ đã chứng minh cho những gì diễn ra gần đây khi tên Việt Nam luôn được xướng lên trên trường quốc tế về thành quả chống dịch và phát triển kinh tế điển hình.
Tờ The Economist mới đây có bài phân tích cho thấy, niềm tin như là một trong những yếu tố tác động to lớn đến thành quả kinh tế ở nhiều nước. Sụt giảm GDP trung bình của thế giới -4%, Mỹ -3,5%, EU -7,5%, Hàn Quốc -1%, Trung Quốc +2%, Anh lại sụt giảm -10% (rơi vào suy thoái nặng nề nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng băng giá năm 1709). Thành quả tệ hại của Anh đến từ những bất nhất của Chính phủ trong quá trình triển khai lệnh phong toả.
Blanchard, nguyên Kinh tế gia trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo, lần đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ chứng kiến một sự gia tăng của 2 loại tiết kiệm ở quy mô lớn chưa từng có: tiết kiệm do người dân hạn chế mua sắm và tiết kiệm phòng ngừa những bất định trong tương lai. Đây là luận điểm đáng lưu ý để nhận định về hiệu quả của các gói kích thích kinh tế. Gói kích thích kinh tế tuy lớn nhưng sẽ ít hiệu quả nếu nỗi lo sợ và hành vi tiết kiệm của người dân thậm chí còn lớn hơn.
Ít nhất đến khi mọi ẩn số liên quan đến Covid-19 trở nên rõ ràng, các doanh nghiệp cần chuyển từ việc xem mình là một cỗ máy giá trị thành “cỗ máy thời gian”, theo nghĩa họ cần có niềm tin hướng về phía trước để có động lực tồn tại.
Làm thế nào người dân không còn sợ hãi để trở lại hành vi tiêu dùng như trước? Và bằng cách nào để biến doanh nghiệp từ cỗ máy giá trị thành cỗ máy thời gian? Câu trả lời chỉ duy nhất: niềm tin. Trong lúc này, Chính phủ chính là người phải tạo ra niềm tin chiến lược lớn nhất, chúng cần phải được mọi người hiểu đúng đến “100%” ý nghĩa của từ này trong thông điệp về mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH TRONG NGẮN HẠN THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP
Cẩn trọng với “bẫy sốc cung Keynesian”
Trong một nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng gần đây, Veronica Guerrieri từ Đại học Chicago (và cộng sự) đã mô hình hoá cách mà một nền kinh tế trải qua sau khi gặp một cú sốc mạnh giống như Covid-19. Cú sốc Covid-19 khiến các lĩnh vực hàng không, nhà hàng và logistics (lĩnh vực dịch vụ) bị tác động mạnh. Thu nhập của nhân viên lĩnh vực dịch vụ giảm buộc họ cắt giảm chi tiêu.
Theo nhóm nghiên cứu, sụt giảm mạnh chi tiêu trong lĩnh vực này không thể được bù đắp tương ứng (chẳng hạn, bằng chi tiêu ở các cửa hàng bán điện thoại di động, thiết bị y tế). Nền kinh tế do đó sẽ rơi vào tình trạng “sốc cung Keynesian” - cú sốc hàm ý tình trạng cầu sau đó giảm nhiều hơn sốc cung của chính nó gây ra lúc đầu.
Khi giá giảm trên diện rộng của một loạt hàng hoá, dịch vụ diễn ra trong thời gian dài, nhiều hoạt động kinh tế ngừng trệ, sẽ ngày càng có nhiều người mua nghĩ rằng, họ sẽ được lợi nếu cứ tiếp tục chờ đợi thêm để hàng hoá rẻ hơn. Nếu nghĩ như thế, họ sẽ càng ít mua hàng. Tình trạng này sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế hoặc tăng trưởng gập ghềnh.
Một trường hợp cầu giảm nhiều hơn cung điển hình là Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc hồi sinh ngoạn mục 5% so với đầu năm và xuất khẩu vẫn luôn gia tăng ấn tượng. Trong khi sản lượng công nghiệp, về phía cung, tăng 5,6%, thì về phía cầu, doanh số bán lẻ chỉ tăng có 0,5%.
Sự lệch pha quá mức giữa cung và cầu của Trung Quốc sẽ là bài học kinh nghiệm cho chúng ta. Điều này có thể đến từ nỗi sợ hãi của người dân lánh xa các nhà hàng, siêu thị, nhưng cũng có thể từ những yếu tố cơ bản của nền kinh tế, hoặc cả hai. Do tập trung quá mức xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng của hộ dân Trung Quốc chỉ chiếm 39% GDP năm trước, thấp hơn 63% mức bình quân toàn cầu và thấp nhất trong lịch sử các nước.
Ngoài ra, chỉ có không đến 3% trong tổng số 80 triệu người thất nghiệp nhận được bảo hiểm xã hội do cách ly xã hội. Bài học ở đây là gì? Chú trọng quá mức kích cung ngắn hạn như giảm thuế trên diện rộng, chú trọng quá mức thị trường xuất khẩu, không chú ý đến hỗ trợ sinh kế của người lao động có thể làm tiêu tốn nhiều nguồn lực, mà vẫn không làm tăng tổng cầu đáng kể. Đây chính là “bẫy sốc cung Keynesian”.
Bẫy sốc cung Keynesian gần giống với cách mà Chuyên gia kinh tế trưởng Jacques Morisset của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cảnh báo về “bẫy kinh tế Covid-19”, khi mà có hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng nặng, khách quốc tế sụt giảm hơn 20 triệu lượt, ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu cũng bị tác động nặng nề. Cách hiệu quả nhất thoát khỏi cú sốc cung dạng này là ưu tiên làm phẳng đường cong Covid-19 cùng với việc áp dụng các chính sách trợ cấp xã hội trên diện rộng.
Tuy nhiên, lựa chọn như thế khó khả thi ở Việt Nam do bị hạn chế nguồn lực. Chính sách tiền tệ và tài khoá hầu như bất hoạt trước con virus tạo ra sốc cung Keynesian (chính sách tài khoá vẫn khả dĩ hơn, mặc dù tác dụng yếu do số nhân tài khoá bị sụt giảm nhiều).
Kích cầu từ phía cung và “làm phẳng” nút cổ chai nền kinh tế
Khi đại dịch vẫn còn là một ẩn số, các can thiệp của Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian khó xác định. Nếu quá lạc quan, mở toang cửa nền kinh tế với các gói kích thích quá sớm, có thể gặp phải rủi ro tìm cách thoái lui. Nếu quá bi quan, chờ quá lâu để làm phẳng đường cong Covid-19, có thể phải cần nhiều gói kích thích mạnh hơn. Đây là một dạng rủi ro không cân xứng. Tương lai vẫn chưa thể đoan chắc điều gì. Hiện tại, may mắn là chúng ta vẫn chưa đứng trước 1 trong 2 lựa chọn như thế, thay vào đó là chiến thuật nằm đâu đó giữa 2 tình huống trên.
Mở cửa thận trọng có kiểm soát, trong khi hạn chế các can thiệp của Chính phủ vào thị trường sẽ là một chiến thuật hữu hiệu hơn so với phải tái khởi động nhiều lần lệnh phong toả. Cách tiếp cận này sẽ tận dụng được nhu cầu mới phát sinh từ các nước. Chỉ tính riêng các nước giàu, đã có đến 4.200 tỷ USD kích thích tài khoá, trong đó có 2.000 tỷ USD tiền mặt chuyển trực tiếp đến người dân, khiến người tiêu dùng toàn cầu tăng cường mua sắm từ laptop, máy tập thể dục, thực phẩm và mọi thứ có thể trang bị để làm việc và sinh hoạt tại nhà.
Một số dự báo mới nhất cho thấy, khu vực sản xuất hàng hoá toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn và lấy lại những gì đã mất trước đại dịch. Các chính sách tài khoá và tiền tệ cần phải chú trọng kích cầu khu vực xuất khẩu để tận dụng kịp thời sự hồi phục mạnh mẽ của chúng trong tương lai không xa; đồng thời chú trọng đến thị trường to lớn nội địa khi mà chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình Việt Nam hiện xấp xỉ 75% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.
Nhưng thậm chí, cho dù vẫn còn chút ít không gian tài khoá, cũng không thể kích cầu mà không tính toán. Trong phiên họp Chính phủ đầu tháng 9, Thủ tướng nêu rõ “phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cả phía cung và phía cầu vì cung và cầu hiện nay còn yếu”. Can thiệp của Nhà nước về phía cầu nhằm “hồi sinh” tổng cầu suy yếu với mục tiêu tái lập các hoạt động kinh tế. Can thiệp của Nhà nước về phía cung là nhìn vào nút cổ chai của nền kinh tế và “làm phẳng” chúng trở lại. Kích cung cần phải được hiểu theo nghĩa này, chứ không phải giảm thuế tràn lan.
Ngoài ra, may là còn một vế trong phương trình mà chúng ta có thể tính đến là “kích cầu từ phía cung”. Chính sách này đặt trọng tâm vào “phía cung” bằng cách tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiến công vào các thị trường mới như sản xuất thiết bị y tế và những xu hướng mới thời kinh tế số, hay mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng thuộc về an ninh lương thực (an ninh lương thực toàn cầu là nỗi lo lớn của nhiều nước thời đại dịch).
Nói ngắn gọn, làm phẳng đường cong Covid-19 và nút thắt cổ chai nền kinh tế cùng với kích cầu từ phía cung sẽ là gói kích thích kinh tế hữu hiệu trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta có hạn.
PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH TRONG DÀI HẠN
Tranh thủ thời cơ bứt tốc vào top đầu các nền kinh tế có thành quả tốt nhất
Ngoài việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Việt Nam còn đứng trước 2 thách thức lớn là làm sao đưa nền kinh tế vào quỹ đạo của các nền kinh tế hàng đầu và phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu kép thì thiết yếu, nhưng thách thức kép mới là sống còn.
Ấn phẩm mới công bố tháng 7/2020 “Global Productivity: Trends, Drivers, and Policies”, là nghiên cứu lần đầu tiên của WB để tìm cách trả lời cho câu hỏi: các quốc gia đang hội tụ về nhau như thế nào?. Dựa trên thành quả năng suất của 97 quốc gia từ năm 2000, WB nhận diện nhóm 5 nền kinh tế: 3 nhóm yếu kém đầu chủ yếu các nước nghèo; nhóm thứ tư gồm những nền kinh tế lớn, nhưng vẫn chưa khai thác đúng mức tiềm năng, như Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi; nhóm thành công nhất gồm các nước phát triển và 16 nền kinh tế mới nổi, rất đáng khích lệ là có tên Việt Nam trong số này (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan).
Các nước nghèo hơn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu, dù vậy điều không lạc quan lắm là, với nhịp độ như thế, cũng phải mất đến… 48 năm nữa, khoảng cách năng suất mới được thu hẹp phân nửa (nếu như các yếu tố khác không đổi).
Theo WB, sự hội tụ giữa nhóm các quốc gia không phải diễn ra mặc định, mà “có điều kiện”. Các điều kiện đó là độ mở nền kinh tế, dòng vốn FDI, lạm phát, tiếp cận Internet, trình độ giáo dục. Các nghiên cứu học thuật tổng kết có đến 145 nhân tố để các quốc gia hội tụ về nhau. Nhưng có lẽ điều đáng lưu ý là điều gì sẽ giải thích cho lực hướng tâm của hội tụ?
Theo WB, khoảng cách địa lý không phải là yếu tố cho lực hướng tâm. Việc Canada gần Mỹ hay Việt Nam cận Trung Quốc không là lực hút (hoặc đẩy) để làm một nước giàu lên hay nghèo thêm. Thu hút đầu tư và thương mại tuy quan trọng, song mức độ giáo dục và hiệu năng quản lý của Chính phủ sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nhất, ít nhất cũng ở giai đoạn đầu tăng tốc. Đây lại là 2 yếu tố hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của chính chúng ta.
WB quan ngại, đại dịch sẽ làm chậm lại đầu tư, chuỗi cung ứng đứt gãy, chủ nghĩa dân tộc sẽ làm quá trình hội tụ gặp nhiều trắc trở. Nhưng trong cái rủi có cái may. Khủng hoảng mở ra cho chúng ta cơ hội cải cách cấu trúc, thúc đẩy nhanh sự dứt khoát hơn nữa trong việc huỷ bỏ các nguồn lực lạc hậu trước đây bằng các công nghệ mới hơn để tăng tốc quá trình hồi phục. Lãng phí các cơ hội đến từ một cuộc khủng hoảng chính là sự lãng phí lớn nhất.
Đại dịch làm cho quá trình hội tụ diễn ra theo chiều hướng kỳ lạ. Giống như trong một cuộc đua, kẻ được trao vòng nguyệt quế không phải người chạy nhanh nhất, mà là người chạy ít chậm nhất. Thế giới trước đây phẳng và nhanh. Tác động của các gói kích thích kinh tế khổng lồ sẽ làm gia tăng số công ty chậm đổi mới. Nó chẳng những tiếp thêm sinh khí duy trì các công ty xác sống, mà lại còn ám ảnh cả người sống. Thế giới hậu đại dịch sẽ là một thế giới béo phì và chậm chạp. Đây là điều mà chúng ta cần tuyệt đối không để phạm sai lầm, nếu không muốn bị tụt hậu xa hơn.
“Tăng trưởng trong năng suất toàn cầu sụt giảm mạnh sau đại dịch sẽ tác động đến xu hướng tăng trưởng dài hạn giữa các quốc gia. Nếu chúng ta muốn hồi phục hiệu quả, chúng ta phải hiểu những gì dẫn dắt các xu hướng dài hạn”, Giáo sư Nicholas Bloom của Đại học Stanford bình luận về quyển sách mới của WB. Đây là luận điểm rất quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu ý khi thiết kế các gói kích thích kinh tế, trong khi vẫn hướng đến các động lực tăng trưởng dài hạn.
Sau đại dịch sẽ là đại thắng kinh tế
Mặc dù tối cần thiết, nhưng nếu các gói kích thích tập trung quá nhiều vào việc giúp các doanh nghiệp hồi phục, thay vì giúp tăng trưởng kinh tế vô thời hạn, sẽ để lại những hậu quả khó khắc phục sau này. Giống như sau một đám cháy rừng, một số thực vật bị tàn phá, nhưng cũng tạo điều kiện cho những mầm lộc đâm chồi. Cú sốc Covid-19 tạo ra một hiện tượng bất định chưa từng có.
Chúng khiến các phản ứng chính sách giống như một người quờ quạng trong phòng tối, có thể phạm sai sót va vào tường (cũng vậy người dân không chê trách Chính phủ phạm sai lầm), song cũng phải biết cách thoát ra kịp thời, trong khi vẫn phải nghĩ đến những điều không tưởng nếu may mắn là người đầu tiên thoát ra. Các chính sách tiền tệ và tài khoá, nhất là chính sách thuế phí, nợ và chi tiêu công, cần phải chú trọng đến thiết kế các “điều khoản thoát” để tránh phạm phải những sai lầm dai dẳng, rồi lại tiếp tục bước vào nữa nếu thấy cần thiết, hơn là một chính sách phòng thủ an bình.
Thật thú vị khi mới đây Financial Times có bài phân tích rủi ro bất ổn hậu đại dịch ở các nước giàu bằng ẩn dụ đến khoảnh khắc Mỹ đưa quân vào Việt Nam năm 1961. Phải chăng lịch sử sẽ lặp lại một chiến thắng kỳ vĩ của Việt Nam như 50 năm trước, song lần này là cuộc đại thắng kinh tế. Đại dịch tuy xui rủi, nhưng mở ra cơ hội có một không hai: trong khi các tay đua toàn cầu đuối sức đang lê bước lại phải “đeo khẩu trang”, nhân cơ hội này nếu tranh thủ cơ hội bức tốc, vòng nguyệt quế sẽ trao cho tay đua biết chớp thời cơ mà cách đây vài tháng ít ai nghĩ ra.