Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo Báo cáo Chỉ số kinh doanh toàn cầu của (Global Entrepreneurship Monitor - GEM) năm 2015-2016, nhận thức xã hội tích cực về doanh nhân ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 tăng mạnh so với năm 2013 và 2014 (hạng 9/60).
Tỷ lệ người được hỏi có mong muốn lựa chọn nghề nghiệp là kinh doanh từ 63,4% năm 2013 lên 67,2% năm 2014 và 73,3% năm 2015 (xếp thứ 11/60). Ngoài ra, 75,8% người Việt Nam được hỏi đồng ý với nhận định rằng những doanh nhân thành đạt thường có vị trí cao trong xã hội và được mọi người tôn trọng, xếp thứ 16/60. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 65,7% của các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Cũng theo báo cáo này, năm 2015, có 56,8% người trưởng thành Việt Nam nhận thức về cơ hội để khởi sự kinh doanh, tăng gần 13% so với năm 2013. Trong đó, người khởi nghiệp ở độ tuổi thanh niên (18 - 35 tuổi) nhạy bén với các cơ hội kinh doanh mạo hiểm, có khao khát khởi sự cao hơn độ tuổi trung niên (36 - 64 tuổi). Ông Richard Bale, Tổng Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam cho rằng: "Tài sản và sức mạnh khởi nghiệp của Việt Nam chính là tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi ở người trẻ”.
Chỉ số về lo sợ thất bại trong kinh doanh của người Việt đã giảm liên tiếp trong 3 năm gần đây, từ 56,7% năm 2013 xuống 50,1% năm 2014 và còn 45,6% năm 2015. Chỉ số này giảm đồng nghĩa với tỷ lệ khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam đang tăng. Tuy vậy, theo TS. Lương Minh Huân, Chuyên viên Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ khởi sự kinh doanh của người Việt trong những năm tới sẽ vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
Báo cáo của GEM cũng cho thấy, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng Việt Nam vẫn bị các nước trong khu vực bỏ xa ở những chỉ số quan trọng trong điều kiện khởi nghiệp. Cụ thể, trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, Việt Nam có 9 chỉ số có mức điểm dưới trung bình. Bốn chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là giáo dục kinh doanh sau phổ thông (47/62), giáo dục kinh doanh bậc phổ thông (47/62), chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/62) và tài chính cho kinh doanh (50/62).
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hầu như chưa cải thiện nhiều so với các năm 2013 - 2014. Nếu so sánh với các nước ASEAN, trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, không có chỉ số nào của Việt Nam được đánh giá tốt hơn 4 nước là Philipines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, trong khi đó có tới 8 chỉ số của Việt Nam kém hơn 4 nước này.
Đây là những vấn đề cần được quan tâm, vì những hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể khiến các nhà khởi nghiệp Việt Nam chuyển sang các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn như Singapore, Malaysia.
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời phải kết hợp cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hoàn thiện mạng lưới dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua các nhà phát triển cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.