“Điểm mở” Chu Lai
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam).
Đây là bước đi đầu tiên của Cục Hàng không Việt Nam trong việc cụ thể hóa chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6/5/2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác do một thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng để trực tiếp nghiên cứu, xử lý kiến nghị của tỉnh Quảng Nam về Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai trong quý II/2022, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cần phải nói thêm rằng, trong số 22 cảng hàng không đang có hoạt động khai thác, Cảng hàng không Chu Lai có vị trí khá đặc biệt. Đây là sân bay quân sự lớn bậc nhất tại khu vực Đông Dương trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Ngày 22/3/2005, Cảng hàng không Chu Lai chính thức khai thác hàng không dân dụng, sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ. Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên khai thác các chuyến bay dân dụng tại Cảng hàng không Chu Lai.
Hiện tại, Cảng hàng không Chu Lai được xếp hạng cấp sân bay 4C; đáp ứng tàu bay A321 và tương đương trở xuống. Sân bay hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác này có một đường cất hạ cánh kích thước 3.048 m x 45 m, hệ thống đường lăn và 8 vị trí đỗ tàu bay; nhà ga hành khách có công suất 1,2 triệu lượt hành khách/năm.
Mặc dù có công suất khá khiêm tốn, nhưng Chu Lai đang là cảng hàng không có diện tích lớn nhất Việt Nam (khoảng 2.006 ha, trong đó đất do hàng không dân dụng được tạm giao quản lý là 351,885 ha; đất do quân sự quản lý là 1.654,115 ha, bao gồm cả khu bay dùng chung).
Tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Trong Hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Chu Lai tiếp tục được quy hoạch là trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách cho khu vực miền Trung.
Bản thân lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đang kỳ vọng Cảng hàng không Chu Lai như một “cửa mở” quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương này khi sân bay mới sẽ phục vụ việc trung chuyển hàng hóa qua đường hàng không và ngành công nghiệp hàng không.
“Sân bay này được hiểu là sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp dịch vụ ngành hàng không đủ sức cạnh tranh mang tầm quốc gia trong khu vực. Một khi được hình thành, sân bay này sẽ giúp Quảng Nam và miền Trung tập trung sản xuất những loại hàng cần xuất khẩu bằng đường hàng không qua cửa ngõ sân bay Chu Lai”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư của Dự án Cảng hàng không Chu Lai khoảng 15.968 tỷ đồng trong giai đoạn đến năm 2030 và 37.950 tỷ đồng giai đoạn định hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ mang tính chất ước đoán, bởi con số chính thức sẽ chỉ rõ hơn sau khi Tập đoàn Vingroup hoàn thành hồ sơ nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chọn hình thức PPP
Mặc dù nhu cầu sớm đầu tư “nâng đời” Cảng hàng không Chu Lai đang rất cấp bách, nhưng theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện còn thiếu các điều kiện để quyết định việc đầu tư xây dựng công trình tại sân bay Chu Lai, trong đó có việc Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc chưa được duyệt; Quy hoạch Điều chỉnh Cảng hàng không Chu Lai đang tiến hành; Kế hoạch Đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai chưa được duyệt.
Bên cạnh đó, theo khoản 1, Điều 48, Nghị định 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không quy định: "... Doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu, trừ các trường hợp do Nhà nước trực tiếp đầu tư và các công trình quy định tại khoản 2, điều này. Trường hợp doanh nghiệp cảng hàng không không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển cảng hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc ACV tiếp tục đầu tư các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Chu lai là phương án tốt nhất, khả thi nhất, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa đảm bảo đảm bảo công cụ của Nhà nước điều tiết, vừa đảm bảo công tác phối hợp và hiệu quả khai thác chung toàn mạng cảng hàng không (ACV đang quản lý 21/22 sân bay). Đây cũng là phương án có trình tự pháp lý đầy đủ nhất, thủ tục làm nhanh nhất. Tuy nhiên, ACV cũng đang nặng gánh với các dự án lớn, như Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài…, nên cần cân đối kỹ nguồn lực để đầu cho sân bay Chu Lai.
Trong trường hợp Nhà nước không đầu tư trực tiếp và ACV không đầu tư, thì phương án lựa chọn nhà đầu tư khác theo hình thức xã hội hóa mới có thể được kích hoạt.
Trong Tờ trình kèm theo Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT sớm làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV để có xác nhận chính thức về kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Chu Lai theo quy định tại Nghị định 05/2021/NĐ-CP, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án.
“Chỉ triển khai phương án xã hội hóa khi Nhà nước không đầu tư trực tiếp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV có văn bản chính thức xác nhận không đầu tư các công trình tại Cảng hàng không Chu Lai”, ông Thắng nêu rõ.
Trường hợp chốt được phương án triển khai hình thức xã hội hóa, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về các định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không nói chung và Cảng hàng không Chu Lai nói riêng.
Lộ trình gọi vốn xã hội hóa cho Cảng hàng không Chu Lai sẽ bắt đầu từ việc hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong đó xác định cụ thể quy mô, công suất, định hướng phát triển Cảng hàng không Chu Lai; hoàn thiện và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Bước đi tiếp theo là Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay (đất, tài sản trên đất) cho địa phương quản lý, đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
“Thống nhất lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng các cảng hàng không (trừ hình thức BOO, để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia). Dự án PPP Cảng hàng không Chu Lai dự kiến được giao cho UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Việt Nam đang khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Cụ thể:
Khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không, gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Vinh);
Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không, gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa);
Khu vực miền Nam có 8 cảng hàng không, gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 5 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Tổng năng lực/công suất thiết kế của hệ thống cảng hàng không toàn quốc đạt 92,5 triệu lượt hành khách/năm.