Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 do Genco 3 làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng ngày 22/10/2011 với quy mô 1.080 MW, gồm 2 tổ máy, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn. Nhà thầu Hyundai Engineering and Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc) đảm nhận việc cung cấp thiết bị và lắp đặt.
Nhà máy có tổng mức đầu tư dự án là 37.400 tỷ đồng (tương đương 1,769 tỷ USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 930 triệu USD (chiếm 52,6%), vay thương mại ngân hàng KEXIM-Hàn Quốc là 510 triệu USD (chiếm 28,8%), vay trong nước và nguồn vốn đối ứng của EVN là 329 triệu USD (chiếm 18,6%). Sản lượng điện hàng năm của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 là 6,5 tỷ kWh, phát điện lên lưới điện quốc gia qua đường dây 500kV mạch kép Mông Dương - Quảng Ninh, trạm biến áp 500kV Quảng Ninh. Đây là một trong những công trình điện cấp bách nằm trong Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đã hoàn thành mục tiêu phát điện với cả 2 tổ máy, trong đó Tổ máy số 1 đưa vào vận hành thương mại từ ngày 10/10/2015; tổ máy số 2 đưa vào vận hành thương mại từ ngày 03/12/2015, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của cả nước, đặc biệt từ mùa khô năm 2016 trở đi.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào tổng công suất của hệ thống điện, tăng tỷ lệ dự phòng công suất của hệ thống điện, do đó tăng độ an toàn và ổn định cho hệ thống, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Đông - Bắc Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đặc biệt dự án đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm nhiệt điện, phát điện lớn nhất của cả nước với tổng công suất chiếm 18% tổng công suất phát điện của cả nước.
Phát biển tại lễ mừng phát điện thương mại Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc đưa 2 tổ máy của công trình nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 vào hoạt động không chỉ góp phần rất lớn vào việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống đặc biệt với tình hình thủy văn các hồ thủy điện khu vực miền trung Tây Nguyên không thuận lợi mà với công nghệ CFB đã góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí NOx gây hiệu ứng nhà kính và tận dụng các loại than Antraxit có chất lượng thấp ở Việt Nam. Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao về chất lượng thi công qua 7 lần về kiểm tra, nghiệm thu.
Để nhà máy được vận hành an toàn và hoạt động hiệu quả, Phó thủ tướng cũng yêu cầu, EVN, Tổng công ty Phát điện 3 mà đại diện là Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 1, Công ty Nhiệt điện Mông Dương phải bảo đảm vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả. Đặc biệt với công nghệ hiện đại nhất về nhiệt điện than nhưng quá trình vận hành phải chứng minh với mọi người là đảm bảo mức phát thải theo quy định. Để làm được việc này, công tác đảm bảo môi trường trong quá trình vận hành sản xuất cần phải được quan tâm, chú ý thường xuyên.