Một là, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức cao nhất trong gần 1/4 thế kỷ (sau năm 1997 đạt 8,15% khi Việt Nam đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70, kéo dài tới đầu những năm 90, sau 2 năm thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước trong khu vực).
Hai là, tăng trưởng GDP vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm phấn đấu của Chính phủ (6-6,5%) - mục tiêu mà vào cuối năm trước và đến giữa năm nay, ít người nghĩ có thể đạt được sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Ba là, ước tính GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 4.000 USD, tạo tiền đề để năm 2023 vượt mục tiêu 4.400 USD. Đây cũng là tín hiệu để đến năm 2025 sẽ thực hiện được mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Bốn là, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt tốc độ cao hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm là, tốc độ tăng trưởng cao đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. GDP của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đã tăng từ thứ 6 trong 11 nước năm 2015 lên thứ 4 năm 2020, ước tính lên thứ 3 năm 2022; trên thế giới, tăng từ thứ 45 trong 118 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh lên thứ 36 năm 2000 và dự kiến lên thứ 33 năm 2022.
Sáu là, tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản không chỉ tiếp tục là “bệ đỡ”, mà còn phát triển mạnh hơn, với tốc độ tăng bình quân 3 năm trước (trên 3% so với 2,99%); phát triển toàn diện hơn khi thủy sản, lâm nghiệp tăng cao hơn nông nghiệp… Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (ngành kinh tế thực lớn nhất) tăng khá cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất. Điều này tạo tín hiệu để thực hiện mục tiêu đến nưm 2025 sẽ có công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhóm ngành dịch vụ phục hồi nhanh, có tốc độ tăng cao nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành.
Bảy là, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện so với 2 năm trước. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thấp hơn nhiều năm trước (dưới 33% so với trên 34%) - tức là lượng vốn đầu tư giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn, chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao hơn. Thước đo hiệu quả đầu tư là hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) trong 2 năm trước ở mức trên 14 - 15 lần (tức là, để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư 14 - 15 đồng), thì năm 2022 giảm xuống dưới 6 lần.
Tám là, tăng trưởng GDP cao góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Trong mối quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu, sản xuất và tiêu dùng, khi GDP tăng cao hơn mục tiêu, trong điều kiện tổng cầu tăng thấp hơn và còn yếu hơn tổng cung, thì lạm phát sẽ được kiểm soát theo mục tiêu - tăng thấp hơn mục tiêu (ước dưới 3,5% so với 4%).
Chín là, GDP tăng trưởng cao tạo tiền đề cho xuất khẩu lớn hơn so với nhập khẩu (ước đạt 371 tỷ USD so với 360 tỷ USD), nên đã xuất siêu trên 11 tỷ USD. Mức xuất siêu này cao gấp 2,7 lần mức xuất siêu của năm trước, cao gấp 2,8 lần mức xuất siêu theo mục tiêu của Bộ Công thương và là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Đến lượt nó, xuất siêu lại góp phần vào tăng trưởng GDP.
Mười là, tăng trưởng GDP cao góp phần để tổng thu ngân sách vượt xa dự toán và tăng cao so với năm trước.
Mười một là, tăng trưởng cùng với kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã góp phần tăng tiêu dùng cuối cùng sau 2 năm bị “bào mòn” bởi đại dịch, tạo tiền đề tăng mức sống thực tế, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, xã hội, tạo tiền đề cho việc tăng lương vào giữa năm tới.