Tại Hội thảo “Bảo hiểm bảo lãnh - Kinh nghiệm của Hàn Quốc” do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính) phối hợp với Chi nhánh Công ty Bảo hiểm Seoul tại Hà Nội (SGI) tổ chức mới đây, dẫn số từ Bộ Tài chính, đại diện SGI cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu phí từ mảng bảo hiểm bảo lãnh vẫn rất khiêm tốn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm gốc của mảng này đạt 28 tỷ đồng, chiếm 0,07% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo uớc tính của SGI, tổng nhu cầu bảo lãnh đến năm 2030 đạt khoảng 1,075 triệu tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, sự phát triển của mảng bảo hiểm bảo lãnh đang hết sức hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện tại, trên thị trường, mới có tổng cộng 8 doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm bảo lãnh, bao gồm SGI, Bảo Minh, Bảo Việt, PVI, BIC, Bảo Việt Tokio Marine, MSIG và VBI. Trong đó, SGI đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam với tổng số 75 sản phẩm, những doanh nghiệp khác số sản phẩm khá hạn chế.
Ông Jeong Beon Soon, Giám đốc SGI cho biết, một trong những điểm bất lợi của mảng bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam là thói quen sử dụng bảo lãnh ngân hàng, nên việc cấp đơn bảo lãnh cho các loại hợp đồng đều do ngân hàng thực hiện. Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý rủi ro, đánh giá tín nhiệm, nên mức độ quan tâm tới nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh còn thấp.
Về phía nhà quản lý, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhìn nhận, tuy có tiềm năng phát triển, nhưng đến nay, tốc độ tăng trưởng thị phần của bảo hiểm bảo lãnh vẫn rất thấp, nguyên nhân xuất phát từ hạn chế của chính sách cũng như kinh nghiệm phát triển thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Phó trưởng phòng Quản lý giám sát bảo hiểm phi nhân thọ (thuộc Cục Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) cho biết, bảo hiểm bảo lãnh là nghiệp vụ mới, doanh nghiệp bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa có đủ thông tin đánh giá tín nhiệm của bên mua bảo hiểm. Về quy định pháp lý, chính sách về bảo lãnh tại Luật Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Hải quan cũng chưa đề cập đến bảo hiểm bảo lãnh, khiến các bên tham gia còn e ngại.
Lấy ví dụ minh họa, đại diện SGI cho biết, năm 2014, quy định về sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đã được ban hành và các công ty bảo hiểm có thể thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đấu thầu về quy trình ký kết hợp đồng thực hiện các dự án có vốn của Nhà nước, chỉ có đơn bảo lãnh ngân hàng và tiền mặt ký quỹ đặt cọc là công cụ đảm bảo, mà chưa cho phép thư bảo hiểm bảo lãnh thực hiện công cụ này, làm ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của các bên tham gia.
Để phát triển sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh, theo đại điện SGI, bên cạnh việc bổ sung hình thức đảm bảo khi dự thầu và ký hợp đồng bảo lãnh, cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng được cấp đơn bảo lãnh, giúp nền tảng thị trưởng bảo hiểm bảo lãnh được củng cố và phát triển ổn định.
“Cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng cho phép sử dụng đơn bảo hiểm bảo lãnh là công cụ đảm bảo. Điều này giúp mở rộng tổ chức bảo lãnh từ ngân hàng tới các công ty bảo hiểm, tăng quyền lựa chọn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp...”, ông Jeong Beon Soon đề xuất.