Ngân hàng
Muốn tăng, giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
T.V - 15/12/2022 07:55
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 8728/NHNN yêu cầu ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước.

Phải báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước cho biết mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ. 

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước. 

Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS, Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.

Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.

Thế nhưng, sau một thời gian đua lãi suất, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn hạ nhiệt, nhất là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,5% lãi suất trong ngày 14/12 và Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, đến năm 2024 mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Vì thế, nhiều ngân hàng vẫn phản ánh có tình trạng ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế.
Hiện có ngân hàng đã chào mức lãi suất huy động lên gần 13%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng. Còn nếu gửi từ 13 tháng lãi suất lên đến 12,5%/năm.

Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhiều ngân hàng khảo sát vào đầu tháng 12 đã tăng lên trên 10-12%/năm.Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động như NCB, OCB, Techcombank, Bac A Bank, SHB,...

Áp lực thanh khoản cuối năm đẩy lãi suất tăng

Tại Ngân hàng Quốc dân (NCB),mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng đã lên tới 10,1%/năm tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với hình thức gửi online. Chương trình chỉ áp dụng cho các khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm tại NCB.

Với các khách hàng thông thường, mức lãi suất online cao nhất được áp dụng là 9,9%/năm với các kỳ hạn dài 13-60 tháng. Tại các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, NCB áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Với tiết kiệm truyền thống, ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,7%/năm tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Một ngân hàng khác cũng có mức lãi suất tiết kiệm sau áp dụng khuyến mãi trên 10% là OCB. Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất ngân hàng áp dụng là 9,3%/năm tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. 

Tại SHB, khách hàng cá nhân đều được cộng thêm lãi suất khi tửi tiền tiết kiệm. Chương trình kéo dài đến hết 28/2/2023. Cụ thể, khách hàng cá nhân sẽ nhận được quà tặng có giá trị tương đương lãi suất 0,58%/năm khi gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi từ 10 triệu đồng tại quầy và được cộng ngay lãi suất ưu đãi 0,58%/năm khi gửi online đối với các sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ nhận được mức lãi suất 9,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà khách hàng gửi tiền nhận được tại thời điểm hiện tại...

Ngân hàng Bản Việt vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn, theo đó mức điều chỉnh tăng từ 0,8% - 1,1% theo từng kỳ hạn gửi. Đây là lần điều chỉnh thứ ba kể từ ngày 23/9/2022.

Cụ thể, Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng từ mức 7,6% - 8,2%/năm lên 8,4% - 9,2%/năm.Trong khi đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đến nay đã tăng lên đến 9,4%/năm.

Đặc biệt, nếu gửi tiền qua kênh trực tuyến khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 9,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,5%/năm với kỳ hạn 24 tháng. 

Nhưng điều đáng chú ý hơn là ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, do áp lực thanh khoản cuối năm nên đã xuất hiện tình trạng thỏa thuận lãi suất ngoài, với biên độ cộng thêm 1-2% so với bảng giá lãi suất niêm yết chính thức.

Nhất là khi các nhà băng vừa được nới thêm room tín dụng, đang chuẩn bị thanh khoản cho mùa vụ kinh doanh cao điểm cuối năm 2022 cũng như chờ room tín dụng mới đầu tháng 1/2023.

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng lên cao sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường bị đẩy lên, đồng thời dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai.

Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

Chuyên gia SSI nhận định, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) vẫn còn khá cao khi bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021, tăng so mức 11,5% cuối tháng 10. Trong khi đó, huy động vốn của ngành ngân hàng đến cuối tháng 9/2022 chỉ tăng trưởng 4,6%.

Vì vậy, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm, có tình trạng ngân hàng huy động 100 đồng, cho vay đến 90 đồng. Theo TS. Thành, từ đầu năm đến đầu quý III, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn kỳ vọng rất nhiều. Trong quá trình phục hồi đó ẩn chứa nhiều vấn đề như hệ thống ngân hàng xuất hiện vấn đề thanh khoản, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm. 

Trong bối cảnh nhiều áp lực từ bên ngoài và bên trong, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất điều hành hai lần, chấp nhận để cho VND mất giá gần 9%.

Tin liên quan
Tin khác