Cùng với “hệ điều hành”, “phần cứng” của nền kinh tế như đường sá, sân bay... cũng cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển. |
Định hướng đúng chỉ mới là điều kiện cần
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn quan trọng, mà nếu không tận dụng cơ hội để vượt lên, thì sẽ tụt hậu và loay hoay mãi trong bẫy thu nhập trung bình.
Đó là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao.
TS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) gần đây nhận xét rất ấn tượng rằng, Việt Nam đang ở trạng thái “không trỗi dậy là chết”. Có thể hiểu ý nghĩa của câu nói này là, nếu không trỗi dậy trong vài năm trước mắt, Việt Nam có thể mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình hàng chục năm nữa, vẫn loay hoay đi gia công giá trị thấp và không có một nền công nghiệp thực thụ nào.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã có những định hướng chính sách đúng đắn, trong đó, 2 định hướng đáng chú ý là thúc đẩy kinh tế tư nhân và rà soát lại hoạt động tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng tiếp cận có chọn lọc, hướng về tăng trưởng bền vững (hướng về năng lượng sạch, công nghệ mới) và đảm bảo an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, định hướng đúng chỉ là điều kiện cần để nền kinh tế có thể trỗi dậy. Tôi đã từng đọc được những định hướng về thu hút công nghệ hiện đại, phát triển các doanh nghiệp khởi sự tỷ đô, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch… của không dưới 8 nước có trình độ gần hoặc hơn Việt Nam và đều là nước có thu nhập trung bình. Nước nào sẽ chiến thắng trong một cuộc đua mà ai cũng có đích đến là vượt qua các nước còn lại để có thu nhập cao? Có thể thấy, đây không phải là một cuộc đua mà ai cũng có thể thắng. Trên thực tế, nhiều quốc gia có thể không về được đích trong 20 - 30 năm.
Phát triển kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Nhà máy VinFast. |
Hệ điều hành mới: Cần một cải cách toàn diện
Để trỗi dậy, cỗ máy kinh tế Việt Nam không chỉ cần một định hướng đúng, mà còn cần một “hệ điều hành mới”. Hệ điều hành là một cách nói ví von, bao hàm một hệ thống rộng lớn từ hệ thống hành chính, luật pháp, từ những điểm nóng như luật đất đai, luật về cạnh tranh, bảo vệ người lao động… cho đến nâng cao năng lực thực thi pháp luật, hiệu quả của tòa án..., thường được gọi chung là “thể chế”.
Cách đây gần 10 năm, TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) đã ví cải cách thể chế như là thay một hệ điều hành mới cho nền kinh tế. Hệ điều hành cũ vận hành trên một nguyên tắc mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, nhưng lại thiếu hiệu quả trong việc giám sát các “quả đấm thép” của nền kinh tế. Điển hình là việc, cứ thấy cái gì mới, lạ, khó kiểm soát thì cấm. Câu chuyện taxi công nghệ hay việc muốn thanh tra, trừng phạt, áp hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng đang huy động lãi suất cao là điển hình cho cách hành xử lúng túng của hệ điều hành cũ.
Một dẫn chứng vĩ mô hơn: những đại án kinh tế lớn năm nào cũng có, với tổn thất hàng ngàn tỷ đồng trở thành chuyện không còn xa lạ với người dân. Sự kiện Thủ Thiêm ở một đô thị lớn nhất cả nước kéo dài nhiều năm là một điển hình cho thấy sự bất cập của hệ điều hành cũ. Nó có một lỗi hệ thống rất lớn: quản lý thì có vẻ chặt chẽ, mệnh lệnh hành chính, cái gì mới, chưa có hướng dẫn mà làm là dễ bị “tuýt còi”; nhưng đến khi những đại án vỡ ra, thì mới thấy, có những con khủng long chui lọt lỗ kim. Những tập đoàn nhà nước thua lỗ ngàn tỷ, gây thất thoát ngân sách cũng từ đó mà ra.
Với một hệ điều hành như vậy, định hướng chính sách bây giờ giống như việc yêu cầu cỗ máy kinh tế Việt Nam phải chạy một loạt ứng dụng hiện đại nhất, mang tên công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh…, nhưng hệ điều hành lại chỉ là 1.0. Đương nhiên, cỗ máy đó sẽ không thể vận hành bình thường và hầu hết các ứng dụng 4.0 không thể nào chạy được. Nút thắt rõ ràng nằm ở hệ điều hành.
Có thể, sẽ có ý kiến cho rằng, “hệ điều hành” của nền kinh tế Việt Nam đã được nâng cấp. Chẳng hạn, về cải cách hành chính, Việt Nam đã thực hiện chính phủ điện tử. Ở tầm vi mô của nền kinh tế, Việt Nam đã áp dụng những chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, hướng tới thành lập các vườn ươm công nghệ, áp dụng an toàn hệ thống ngân hàng theo chuẩn Basel...
Thế nhưng, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Trên trang web của các cơ quan chức năng, không thể tìm được những hướng dẫn để bất cứ người dân nào cũng có thể hiểu rõ cách kê khai thuế thu nhập cá nhân. Hoặc, có chuyên gia kinh tế trong nước than phiền về việc số liệu thống kê không còn công bố chi tiết như một vài năm trước...
Nói tới chuyện công nghệ và khởi nghiệp, nhiều công ty công nghệ của người Việt vẫn sang Singapore đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn phải tự thân vận động, trong bối cảnh chưa có một hệ sinh thái cấp vốn cho khởi nghiệp như thung lũng Silicon của Mỹ hay những khoản đầu tư mạnh tay cho chiến lược khoa học công nghệ. Thậm chí, gần đây, khoản chi đầu tư cho một số quỹ khoa học và công nghệ quốc gia, gồm NAFOSTED và NATIF, còn bị đề cập cắt giảm.
Trên thị trường chứng khoán, dù đã có quy định về chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, nhưng nếu vi phạm công bố thông tin, thì người chịu trách nhiệm chỉ bị phạt vài triệu đồng, trong khi tổn thất của cổ đông là nhiều tỷ đồng...
Nói cách khác, hệ điều hành của nền kinh tế mấy năm qua được vá lỗi theo kiểu “đào đường”, đào lên rồi lấp lại, chứ không thật sự được nâng cấp đồng bộ.
Ở thời điểm hiện tại, không chỉ hệ điều hành, mà cả phần cứng của nền kinh tế Việt Nam cũng cần được nâng cấp để có thể đáp ứng nhu cầu trỗi dậy, vượt bẫy thu nhập trung bình. Phần cứng là hạ tầng của nền kinh tế, như điện, Internet, đường sá, sân bay… Chúng ta sẽ công nghiệp hóa như thế nào, vượt bẫy thu nhập trung bình như thế nào, khi mà nhiều tổ chức đang cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong 2 năm tới, khi sân bay ở TP.HCM quá tải, đường băng sân bay Nội Bài xuống cấp, có thể phải dừng khai thác...? Nhưng, nếu nâng cấp phần cứng, mà không đổi hệ điều hành, thì cái máy mới cũng chẳng thể vận hành được, lại trở thành một chiếc máy cũ kỹ và lạc hậu.
Tóm lại, muốn trỗi dậy, vượt bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần một hệ điều hành mới cho nền kinh tế.