Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/1/1961. Ảnh: Tư liệu |
Thưa ông, nửa thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã trôi qua. Riêng về công tác cán bộ, ông có nhận định gì?
Từ thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và xa hơn là kể từ khi Đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác cán bộ trước đó. Bài học lớn nhất là đội ngũ cán bộ trong xây dựng Đảng. Đại hội XIII chỉ rõ, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ.
Như vậy, Đại hội XIII đã tách xây dựng Đảng về cán bộ để hình thành “mặt trận” riêng nhằm nhấn mạnh hơn nữa đến công tác cán bộ. Đây là lần đầu tiên trong hơn 90 năm hình thành và phát triển, Đảng ta tách công tác cán bộ ra thành một mặt trận riêng, không nằm chung với các mặt trận khác.
Cái mới nữa là, kể cả trong mục tiêu lẫn trong quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và các đột phá chiến lược đều đề cập rất nhiều đến công tác cán bộ. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào mà Đảng ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định và tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ như nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Tất cả nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng đều xuyên suốt nội dung là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có tinh thần 7 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Hôm nay, tôi phát biểu với độc giả Báo Đầu tư cũng là thực hiện tinh thần “7 dám” là “dám nói”, nói thẳng, nói thật, nói trên tinh thần góp ý, xây dựng và “dám chịu trách nhiệm” với phát ngôn của mình.
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương |
Ông nghĩ thế nào khi hàng loạt cán bộ, từ bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy trở xuống, vi phạm quy định, điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải hầu tòa?
Hàng loạt cán bộ, to có, nhỏ có đã, đang và tiếp tục bị xử lý một cách công khai, minh bạch chính là điểm mới trong công tác cán bộ nhiệm kỳ Đại hội XIII. Điểm mới ở đây là chúng ta xử lý nghiêm, xử lý rất nghiêm tất cả cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống, phản bội lại lòng tin của Đảng. Phải xử nghiêm minh để lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Đến giờ phút này, sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nhân dân đã nhận thấy, bên cạnh những kết quả, thành quả đạt được, thì đội ngũ cán bộ, đảng viên còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, mà nổi bật nhất là rất nhiều cán bộ từ cấp Trung ương quản lý trở xuống bị xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự.
Một con số thật đau lòng là, sau nửa nhiệm kỳ đã có tổng cộng 91 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 17 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật gấp gần 2 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XII.
Mới có nửa nhiệm kỳ mà Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Số cán bộ cấp cao cho thôi chức, nghỉ công tác đã gấp hơn 2 lần cả nhiệm kỳ Đại hội XII. Ở địa phương cũng tương tự, khi đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật về Đảng và về chính quyền.
“Cán bộ là cái gốc”. Thưa ông, phải chăng nhiều, rất nhiều cái gốc đang bị mục ruỗng?
Chỉ có thế lực thù địch, những người khác chính kiến với nhân dân mới hiểu như thế. Còn cả trăm triệu người dân Việt Nam, cả ở trong nước cũng như học tập, sinh sống, làm việc ở nước ngoài đều hiểu rằng, Đảng ta đã và đang rất quyết liệt trong xử lý cán bộ sai phạm, vi phạm. Có thể thấy, chưa bao giờ, công tác kiểm tra, xử lý, kỷ luật đội ngũ cán bộ, đảng viên được làm nghiêm, làm mạnh như nhiệm kỳ này.
Có ý kiến cho rằng, nếu cứ tiếp tục xử lý mạnh tay thì “hết cán bộ” và đặc biệt là khiến môi trường đầu tư, kinh doanh giảm hấp dẫn. Ông nghĩ sao?
Số cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ trong số hơn 5,3 triệu đảng viên hiện nay. Vì vậy, không phải bây giờ, mà từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh: “Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm”. Nói nôm na, cán bộ, đảng viên nào không “7 dám”, thì tự nguyện xin nghỉ, không thiếu người có đủ tài, đủ đức sẵn sàng cống hiến cho công việc, cho sự nghiệp chung.
Vì vậy, nếu xử lý tất cả số cán bộ thoái hóa, biến chất, thì cũng không thiếu người làm việc, đặc biệt là lớp trẻ ngày nay càng ngày càng thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, được đào tạo, bài bản tốt hơn, sẵn sàng thay thế cho tất cả những cán bộ không “7 dám”, những người tha hóa, biến chất.
Tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đều muốn đầu tư vào môi trường kinh doanh minh bạch, không phải “đi cửa trước, luồn cửa sau”, không phải chi phí bôi trơn, chi phí gầm bàn, nên khi xử lý mạnh tay với cán bộ cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, trục lợi sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, cạnh tranh hơn, chứ không phải khiến môi trường đầu tư, kinh doanh giảm hấp dẫn.
Khi tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) ngày 7/5/2011, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nói: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều sâu quá!”?
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã nhìn ra vấn đề, nhìn thấy quốc nạn đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, xa dân, vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, Đảng ta và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là kể từ Nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã kiên quyết, kiên trì “bắt sâu”, quyết không để nồi canh bị rầu bởi sâu bọ. Kết quả là, chỉ mới qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật nhiều hơn nhiệm kỳ trước, có thể nói là nhiều nhất từ trước đến nay và có xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước.
Số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, trong đó không loại trừ vụ đại án Việt Á sẽ có lãnh đạo cấp cao phải chịu hình phạt cao nhất của pháp luật. Nhưng điều đó không có nghĩa là số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm ngày càng nhiều; cán bộ, đảng viên càng ngày càng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Kỷ luật nhiều không đồng nhất với số cán bộ, đảng viên ngày càng vi phạm nhiều lên, mà là kết quả của việc chúng ta xử lý nghiêm minh không có vùng cấm, không có ngoại lệ và chúng ta không chỉ xử lý khuyết điểm mà cán bộ, công chức vi phạm trong hiện tại, trong lúc đương chức, đương quyền, mà cả khuyết điểm trong quá khứ vẫn bị xử lý nghiêm minh.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng nói tại cuộc tiếp xúc cử tri nói trên: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ đất nước này”. Nếu sâu nhiều quá, thì bắt hết cũng khó, thưa ông?
Chúng ta kiên quyết không để sâu bọ sinh sôi, nảy nở thành bầy, thành lũ, nên mới xử lý nghiêm minh, càng ngày càng nghiêm minh.
Đấu tranh với loài sâu mọt, đục dân, hại nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện theo đúng như khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong “5 chữ K” là Không có vùng cấm - Không có ngoại lệ - Không nghỉ - Không ngừng - Không chịu bất cứ sức ép nào. Chúng ta xử lý theo 5K rất nghiêm minh, nên số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, bị xử lý ngày càng nhiều. Chính vì vậy, bước đầu đã ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống.
Chúng ta xử lý nghiêm minh theo tinh thần 5K đã có tác động, tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với những cán bộ, đảng viên chưa nhúng chàm vì thấy rằng, với tinh thần 5K, nếu nhúng chàm chắc chắn sẽ bị phát hiện, dù có nghỉ hưu cũng bị lôi ra xử nghiêm minh.
Lần đầu tiên, cán bộ lãnh đạo cao cấp hàng ngày, hàng giờ tận tâm, tận lực với công việc, chưa từng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân yêu mến, kính trọng, nhưng tự nguyện xin từ chức. Ông có thể nói gì về việc này?
Đó là trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; ông Phạm Bình Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng thường trực và ông Vũ Đức Đam, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Phó thủ tướng. Cả ba nguyên lãnh đạo cao cấp này được nhân dân tin yêu, kính trọng, tận tâm, tận lực với công việc, với sự nghiệp chung và chưa từng vi phạm khuyết điểm, nhưng vẫn xin thôi toàn bộ chức vụ trong Đảng cũng như trong chính quyền là điều chưa có trong tiền lệ.
Việc Chủ tịch nước và 2 phó thủ tướng xin từ chức vì bản thân họ thấy rằng, mặc dù không vi phạm, nhưng vẫn liên đới chịu trách nhiệm do “quản quân” chưa nghiêm, khiến cấp dưới vi phạm pháp luật chính là sự gương mẫu của cán bộ cao cấp, là văn hóa từ chức, nên người dân càng tin tưởng hơn vào Đảng.
Chúng ta đã nhiều lần đề cập văn hóa từ chức, nhưng trước đây, dường như không thể thực hiện được vì xin từ chức là tự nguyện, còn khi người ta không tự nguyện, thì không thể ép buộc vì vi phạm, khuyết điểm của người ta (nếu có) chưa đến mức xử lý buộc phải nghỉ việc. Còn cấp dưới vi phạm, người đứng đầu chỉ chịu trách nhiệm liên đới, nên càng không thể bãi nhiệm, miễn nhiệm. Chính vì vậy, khi một số lãnh đạo cao cấp xin từ chức, thì văn hóa từ chức sẽ trở thành cái nếp trong Đảng.
Ở các nước khác, khi thành viên Chính phủ từ chức thì được coi là “văn hóa từ chức”. Còn ở Việt Nam, thưa ông, khi có sự kiện tương tự xảy ra thì được cho là “đấu đá nội bộ”?
Đây là “giọng điệu” của những người cố tình chống phá đất nước, đi ngược lại với lợi ích dân tộc nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Với những đối tượng này thì dù mình làm tốt họ cũng tìm mọi cách để nói xấu.
Việc miễn nhiệm, từ chức, Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định cụ thể (Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ). Trong đó quy định, từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Căn cứ cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Từ khi thực hiện Quyết định 41-QĐ/TW, lãnh đạo nào nếu có khuyết điểm, dù trực tiếp hay gián tiếp hoặc uy tín giảm sút, thì nên từ chức, khuyến khích từ chức. Uy tín của người đứng đầu còn bao hàm cả việc để cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ uy tín, thì nên từ chức, nếu không tự nguyện thì cũng sẽ buộc phải từ chức. Như vậy, việc miễn nhiệm, từ chức đã được quy định rất cụ thể, chứ không phải “phe cánh”, “đấu tranh nội bộ” như thế lực luôn chống phá chúng ta xuyên tạc.
Thưa ông, “miệng dân, sóng biển”, việc từ chức đã có quy định, nhưng làm thế nào để cho người dân hiểu?
Ở nước ngoài, từ chức thì nói là văn hóa từ chức, còn ở ta thì lại bị cho là đấu đá, bè cánh. Đây là sự suy diễn của các thế lực thù địch, phần tử xấu, những người bất đồng chính kiến. Ta có làm đúng, họ cũng tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ. Chúng ta phải phân biệt các thành phần này, ta thấy cái gì đúng, cái gì lợi cho dân, cho nước, thì ta cứ làm, đồng thời phải có sự giải thích cho nhân dân hiểu. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, của bản thân mỗi nhà báo, đừng để nhân dân mắc mưu các thủ đoạn của thế lực thù địch luôn hằn học với những thành quả mà chúng ta đạt được.
Thực tế đã cho thấy, chúng ta xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, bất kể người đó là ai, không có vùng cấm, thì bị thế lực thù địch xuyên tạc là đấu đá nội bộ, loại trừ phe phái. Nhưng lâu lâu không thấy có vụ “đại án nào”, thì bị coi là đang bao che. Đây là ý đồ không tốt, cố tình bôi nhọ, nên các cơ quan báo chí, bản thân mỗi nhà báo phải có trách nhiệm giải thích cho nhân dân hiểu để không bị mắc mưu ý đồ xấu.
Mặc dù đã có quy định về từ chức, nhưng chưa được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, nên nhiều người sẽ không chịu rời bỏ quyền lực vì cho rằng chưa nhận thức rõ, thưa ông?
Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ phải sớm hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật quy định cụ thể về từ chức, nếu không việc “né từ chức” chắc chắn xảy ra với lý do chưa nhận thức rõ, chưa nhận thức sâu sắc...
Vì sao tôi dám nói là chuyện “né từ chức” chắc chắn xảy ra? Đó là từ thực tế các vụ đại án đã và chuẩn bị được xử công khai. Tôi lấy ví dụ về vụ đại án gần nhất đó là “Chuyến bay giải cứu”. Khi ra tòa, quan to cỡ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh; quan nhỏ cỡ thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, hàng trăm lần nhận hối lộ trị giá hàng chục tỷ đồng, hàng trăm ngàn đến hàng triệu USD mà vẫn hồn nhiên trả lời rằng, “không biết nhận tiền là có tội”; “không phân biệt được ranh giới giữa cảm ơn và hối lộ”; “tưởng không có tội vì nhận tiền doanh nghiệp, chứ không phải tiền ngân sách”; “nhận thức pháp luật chưa hết”; “lúc cầm tiền của doanh nghiệp không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật”, “chỉ xuất phát từ việc thương người quá, nên mới môi giới hối lộ”...
Tôi tin rằng, vụ đại án Việt Á tới đây sẽ có rất nhiều câu trả lời tương tự. Đúng là chuyện khôi hài, là trò cười cho xã hội.
Nhưng những người này khai trước tòa như vậy là rất thật lòng thì sao, thưa ông?
Đây là sự giả dối, ngụy biện, vô liêm sỉ. Tất cả đảng viên đều được học tập, quán triệt những điều đảng viên không được làm, trong đó có việc nghiêm cấm đảng viên tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân.
Các cán bộ trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” đều là đảng viên, đều đã được học tập, quán triệt rất rõ ràng, những “cán bộ cỡ bự” như thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, cục trưởng, cục phó trở lên bắt buộc phải nắm rõ 19 điều nghiêm cấm đảng viên không được làm và bắt buộc phải hiểu rõ hệ thống luật pháp, bởi chính họ là những người phải cho ý kiến vào các văn bản pháp luật.
“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vụ đại án “Chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” liên quan trực tiếp đến đại dịch Covid-19 đã chứng minh câu nói bất hủ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sỹ trên cả nước, chỉ ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) 2 tháng, chúng ta đã bắt đầu đưa công dân Việt Nam về nước và nhờ sự nỗ lực, kể cả hy sinh tính mạng của không ít cán bộ, chiến sỹ, Việt Nam đã đưa hơn 200.000 công dân ở từ trên 60 quốc gia trên thế giới về nước, cách ly an toàn, bảo đảm sức khỏe. Điều này không quốc gia nào trên thế giới, kể cả những nước được coi là dân chủ, văn minh, có thể làm được. Cũng với tinh thần này, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục, sớm phục hồi và phát triển kinh tế, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Đó là thành công trong công tác cán bộ.
Nhưng đại án “Chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” cũng đã chứng minh sự thất bại của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đặc là cán bộ cấp bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, tiền bạc và cái giá mà họ không chịu tu dưỡng đạo đức khi tham nhũng, trục lợi, phản bội niềm tin của Đảng, niềm tin của nhân dân chắc chắn sẽ rất thích đáng.