Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 7,6% trong khoảng gần hai tháng qua. Ảnh: AFP |
Tin vui cho ngành bán lẻ
So với cùng thời điểm năm ngoái, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 7,6% trong khoảng gần hai tháng qua, tính từ ngày 1/11 đến ngày 24/12, theo thống kê của nền tảng Mastercard Spending Pulse.
Kết quả này được Mastercard thống kê từ cửa hàng vật lý và trực tuyến, không bao gồm doanh số bán ô tô, trên tất cả các hình thức thanh toán và không được điều chỉnh theo lạm phát.
Số liệu trên là tin mừng cho ngành bán lẻ Mỹ, bởi trước đó tính riêng tháng 11 mức chi tiêu của người Mỹ đã sụt giảm, kéo doanh số bán lẻ cùng tháng giảm theo, mặc dù đã có một đợt bùng nổ chi tiêu trong dịp mua sắm Black Friday.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng chi tiêu của người Mỹ cho kỳ nghỉ cuối năm nay có “đóng góp” từ lạm phát - yếu tố khiến người Mỹ phải móc hầu nhiều hơn cho các hàng hóa dịch vụ.
Theo công bố mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đã tăng 5,5% trong tháng 11.
Bà Michelle Meyer, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Viện Kinh tế Mastercard, nhận định: “Người tiêu dùng và nhà bán lẻ đã điều hướng tốt trong dịp lễ năm nay, cho thấy khả năng phục hồi trong bối cảnh áp lực kinh tế ngày càng tăng”.
Theo Mastercard, người tiêu dùng đã đa dạng hóa chi tiêu để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao và ưu tiên đi ăn ngoài cũng như các trải nghiệm khác. Doanh thu nhà hàng đã tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng Mỹ cũng cho thấy xu hướng mua sắm trực tuyến ở quốc gia này ngày càng phát triển, với doanh số bán hàng trực tuyến tăng 10,6% so với năm trước và thương mại điện tử chiếm 21,6% tổng doanh số bán lẻ, cao hơn mức 20,9% trong năm 2021.
Kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh
Nền kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể trong quý III/2022, bất luận những cảnh báo về suy thoái.
Tăng trưởng GDP quý III của Mỹ đạt 3,2%, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau khi suy giảm trong nửa đầu năm.
Báo cáo việc làm của tháng 11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ duy trì ở mức thấp trong gần nửa thế kỷ. Trong khi đó, nhiều báo cáo lạm phát gần đây cho thấy giá cả đang bắt đầu hạ nhiệt.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ gần đây đã cải thiện đáng kể, đặc biệt trong tháng 12. Con số kỷ lục 196 triệu người Mỹ đã đi mua sắm vào dịp Lễ Tạ ơn là một trong những minh chứng cho niềm tin đó. Doanh số bán hàng tăng vọt đó không chỉ vì lạm phát đã đẩy giá cả lên cao hơn mà còn vì người tiêu dùng Mỹ tăng lượng giao dịch hơn, theo nền tảng phân tích dữ liệu Adobe Analytics.
Ông Curtis Dubay, nhà kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Mỹ cho rằng lạm phát đạt mức cao nhất gần 40 năm đang khoét vào hầu bao của các hộ gia đình. Nhưng thực tế, người Mỹ lại đặt vé máy bay và đến các công viên Disney với số lượng gần mức kỷ lục, bất chấp giá vé vào cửa công viên tăng vọt.
Các nhà kinh tế đã lo lắng kinh tế Mỹ sẽ đối diện một cuộc suy thoái, nhưng thị trường việc làm lại đang khan hiếm lao động với hơn 10 triệu vị trí việc làm còn trống và 1,7 việc làm đang sẵn có cho bất kỳ ai đang tìm kiếm hoặc muốn nhảy việc.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã nhấn mạnh trong bài phát biểu vào tháng trước rằng: “Thị trường lao động Mỹ đang phát triển rất mạnh mẽ trở lại”.
Fed đã cố gắng kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ những năm 1980, bằng chứng là thực hiện 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay, trong đó có 4 đợt tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ “miễn nhiễm” các thách thức lớn trong năm 2023 nhờ các biện pháp chính sách của Fed tiếp tục phát huy tác dụng.