Bên trong trung tâm mua sắm Citadel Outlets tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP |
Phát biểu trên đài CNBC, ông David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi tại Viện Kinh tế Mastercard, dự đoán sẽ mất vài năm lạm phát Mỹ mới có thể trở lại mức ghi nhận trong năm 2019 - thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
Chuyên gia này bày tỏ: "Chúng tôi thực sự kỳ vọng rằng, tình hình sẽ quay trở lại như năm 2019, thời điểm mà chúng tôi vẫn đang tranh luận về việc có bao nhiêu quốc gia cần áp dụng lãi suất âm".
Ứng phó với lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã mạnh tay tăng lãi suất trong năm 2022 và gần đây nhất là vào tháng 11.
Các ngân hàng trung ương lớn của 10 nền kinh tế lớn, đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Australia, cũng như nhiều ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, đều đã mạnh tay tăng lãi suất, theo Reuters.
Theo kế hoạch, các quan chức Fed sẽ tiến hành cuộc họp chính sách tháng 12 trong tuần này và tại đây họ dự kiến tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Gần đây, Fed phát tín hiệu sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ mà họ thực hiện trong năm nay. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã thông báo sẽ tăng lãi suất ở mức thấp hơn với 50 điểm cơ bản, lên mức 4,25 - 4,5%, sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản kể từ đầu năm.
"Lạm phát đã trở thành thách thức lớn. Nó đã tăng đột biến và ở mức rất cao", ông Mann đánh giá. Chuyên gia này cảnh báo rằng sẽ rất rủi ro nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn mức cần thiết.
"Thách thức là nếu bạn mất phương hướng 'lên cao và xuống đất' ra sao, bạn sẽ không chắc mình sẽ dừng ở đâu", ông Mann giải thích.
Chuyên gia từ Viện Kinh tế Mastercard cũng lo ngại: "Đó sẽ là một 'kịch bản nghiêm trọng' nếu các ngân hàng trung ương 'đi quá xa và sau đó đảo ngược chính sách tương đối nhanh chóng".
Bất luận lạm phát tăng kỷ lục trong 4 thập kỷ, người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu tùy ý ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như du lịch. Ông Mann đánh giá, sự phục hồi du lịch ở Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ và người dân vẫn chọn chi tiêu cho trải nghiệm hơn là các hàng hóa vật chất. Thực chất, họ đang tiết kiệm chi tiêu những thứ thiết yếu và để chi cho những thứ không quá cần thiết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, hôm qua 11/12 dự đoán lạm phát Mỹ sẽ giảm đáng kể trong năm 2023, trừ khi có một cú sốc bất ngờ.
"Tôi tin rằng vào cuối năm tới, bạn sẽ thấy lạm phát thấp hơn nhiều nếu không có ... một cú sốc không lường trước được", Bộ trưởng Tài chính Mỹ trả lời phỏng vấn đài CBS.
Khi được hỏi về khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ, bà Janet Yellen cho rằng: "Có nguy cơ xảy ra suy thoái. Nhưng ... theo quan điểm của tôi, chắc chắn đó không phải là điều kéo giảm lạm phát".
Bà Yellen nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại đáng kể, lạm phát đã giảm bớt nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ vẫn hy vọng thị trường lao động nước này sẽ vẫn phát triển tốt.