Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng nóng lên 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, đây là mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 11/1981.
Kết quả này vượt dự báo đưa ra trước đó của giới chuyên gia là tăng 8,5% theo năm. Trong tháng 5, chỉ số CPI tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh trong tháng 6, củng cố cho khả năng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này của Fed. Thậm chí, các dự báo đưa ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100% điểm cơ bản cuối tháng này.
Tuy vậy, USD quay đầu giảm nên đã thúc đẩy nhu cầu đối với vàng của những người mua ở nước ngoài. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm.
Đà tăng của USD bị dừng lại sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố với CPI tháng 6 tăng cao đáng kinh ngạc hơn trước đó. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 108,18 điểm.
Trước đó, sau khi Fed bắt tay vào một lộ trình thắt chặt rất tích cực nhằm kiểm soát lạm phát, giới đầu tư đổ xô vào đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn thay vào vàng.
Giới chuyên gia nhận định vàng có nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị kìm hãm đáng kể trong thời gian tới, vì áp lực từ các đợt tăng lãi suất lớn sắp tới của Fed.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ chuẩn bị công bố sau khi Bộ Lao động nước này hôm thứ 6 tuần trước đưa ra một báo cáo khả quan hơn dự báo về thị trường lao động.
Trong tháng 6, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 372.000 việc làm mới, nhiều hơn 120.000 công việc so với dự báo. Các nhà phân tích nói rằng báo cáo này củng cố kỳ vọng Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là lạm phát bao giờ sẽ đỉnh, vì tốc độ tăng giá vẫn đang tăng lên và kéo dài hơn so với những gì Fed dự kiến ban đầu.
Các quan chức Fed có thể bàn luận về mức tăng lãi suất lịch sử 100 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách cuối tháng 7, vì lạm phát tháng 6 cao hơn dự kiến đang gây áp lực buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải hành động.
Nếu kịch bản này thành thực, đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ khi Fed bắt đầu trực tiếp sử dụng lãi suất qua đêm để thi hành chính sách tiền tệ trong những năm đầu thập niên 1990.
Tuy nhiên, do lạm phát của Mỹ hàng tháng ngày càng tăng tốc, giới phân tích kinh tế dự đoán lãi suất chuẩn của Fed sẽ được nâng thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng tới. Điều này có tác động lên giá vàng.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 67,65 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng, bán ra 68,25 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với hôm qua.
Quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 19 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, khó tránh được vàng lậu vào Việt Nam.
Ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm 3 đồng, lên 23.201 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giữ giá USD ở mức cao, cụ thể tại Vietcombank mua vào 23.220 - 23.250 đồng/USD, bán ra 23.530 đồng/USD.