Biểu tượng WeChat trên một màn hình điện thoại chụp tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Danh sách vừa được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố, đã chỉ ra 42 thị trường ảo và 35 thị trường vật lý được cho là có tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu thương mại hoặc vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
"Danh sách lần đầu tiên xác định hai nền tảng trực tuyến quan trọng có trụ sở tại Trung Quốc AliExpress và WeChat được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm giả nhãn hiệu nghiêm trọng", Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết.
Các "chợ mạng" khác tại Trung Quốc như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo, và Taobao vẫn tiếp tục nằm lại danh sách các "chợ mạng" vi phạm sở hữu trí tuệ quy mô lớn, cùng với 9 thị trường vật lý ở Trung Quốc "được biết đến với việc sản xuất, phân phối và bán hàng giả".
Alibaba cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết những lo ngại về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.
Trong khi đó, các cơ quan chuyên ngành như Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) đã hoan nghênh việc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố danh sách các "chợ mạng" vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo đài CNBC, trong một báo cáo riêng biệt trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Washington cần theo đuổi các chiến lược mới và cập nhật các công cụ thương mại trong nước để đối phó với "các chính sách và thông lệ phi thị trường và do nhà nước lãnh đạo" của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức nổ ra vào tháng 3/2018 với liên tiếp những đòn trả đũa thuế quan, công nghệ và sở hữu trí tuệ. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện tốt một số cam kết trong hiệp định thương mại song phương giai đoạn 1 mà họ đã ký kết với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2020.