Ông Mohammad Barkindo, Tổng thư ký OPEC |
Trả lời phỏng vấn CNN, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo cho rằng, mọi nhân tố ngăn cản sự vận hành trơn tru của ngành dầu mỏ đều “sẽ không phục vụ lợi ích của nền kinh tế toàn cầu”.
“Bất cứ nhân tố nào từ bên ngoài tác động đến cung hoặc cầu dầu mỏ đều sẽ làm thị trường này mất cân bằng - điều không phục vụ lợi ích của nhà sản xuất cũng không phục vụ lợi ích của người tiêu dùng”, ông Mohammad Barkindo nói khi được hỏi về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mô tả Thỏa thuận hạt nhân Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đe dọa rút khỏi thỏa thuận này và ông đã chính thức làm điều đó vào chiều ngày 8/5 (sáng sớm ngày 9/5 theo giờ Việt Nam).
Năm 2015, Mỹ và các cường quốc khác đã nhất trí dỡ bỏ một số trừng phạt kinh tế đối với Iran sau khi đạt được Thỏa thuận hạt nhân Iran để đổi lại việc nước này ngừng các chương trình hạt nhân của mình.
Sau khi dỡ bỏ trừng phạt, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2016. Chính vậy, vấn đề đặt ra là, thị trường sẽ ra sao khi nguồn cung giảm mạnh do lệnh trừng phạt đối với Iran được tái áp dụng (khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran).
Những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá dầu mỏ tăng lên. Trong 1 tháng qua, khi vấn đề hạt nhân Iran trở nên căng thẳng, giá dầu mỏ thế giới đã tăng 13% và đạt mức giá cao nhất kể từ năm 2014.
Ông Mohammad Barkindo cho biết, giá dầu mỏ tăng trong những ngày gần đây là do “những căng thẳng về địa chính trị”.
Theo ông Mohammad Barkindo, OPEC sẽ tiếp tục tìm cách cân bằng thị trường dầu mỏ.
Thực tế, đã từ lâu, tổ chức này luôn nỗ lực cân bằng thị trường dầu mỏ bằng cách đưa ra hạn ngạch sản xuất. Gần đây nhất, vào cuối năm 2016, tổ chức này cùng các đồng minh đã nhất trí giảm sản lượng, nhằm đối phó với tình trạng dư cung và giá giảm. Thỏa thuận này đã được gia hạn đến hết năm 2018.