Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa thêm 14 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc lạm dụng tại Tân Cương. Ảnh tư liệu: AFP |
Hai nguồn tin của Reuters cho biết việc Bộ Thương mại Mỹ bổ sung doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm buộc Trung Quốc giải trình về những vi phạm nhân quyền.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc liên quan đến diệt chủng và lao động cưỡng bức tại Tân Cương và cho rằng chính sách của nước này là cần thiết để dập tắt những đối tượng ly khai và phần tử cực đoan tôn giáo đã phát động tấn công và leo thang căng thẳng giữa hầu hết người Duy Ngô Nhĩ và người Hán - dân tộc đa số tại nước này.
Một nguồn tin của Reuters tiết lộ, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa thêm 14 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc lạm dụng tại Tân Cương.
Tuy nhiên, thông tin cụ thể về những doanh nghiệp này vẫn còn là ẩn số. Một số công ty của các quốc gia khác cũng sẽ bị đưa vào cùng danh sách đen dự kiến công bố ngày 9/6 (giờ Mỹ).
Nhà Trắng đã từ chối bình luận về vấn đề này trong khi Bộ Thương mại Mỹ chưa có phản hồi ngay lập tức đối với các câu hỏi liên quan.
Động thái mới nhất cho thấy Tổng thống Biden muốn gây sức ép lên phía Trung Quốc về vấn đề mà chính quyền Mỹ là lạm dụng nhân quyền ngày càng nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Nhìn chung, các công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen sẽ phải qua cửa của Bộ Thương mại Mỹ và trải qua sự kiểm tra gắt gao khi họ xin giấy phép mua hàng hóa/vật dụng từ nhà cung ứng Mỹ.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, cơ quan này sẽ bổ sung 5 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen vì đã "chấp nhận và sử dụng lao động cưỡng bức trong khi triển khai thực hiện chiến dịch đàn áp của Trung Quốc đối với các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương".
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng tuyên bố của cơ quan này vào tháng trước nhằm vào 5 thực thể (trong đó có Công ty sản xuất vật liệu pin mặt trời Hoshine Silicon Industry) mà cụ thể là việc tiếp cận hàng hóa, phần mềm và công nghệ Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc về hoạt động giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.
Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã thêm một số công ty khởi nghiệp hàng đầu trong lĩnh trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc cách đối xử với người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.
Bộ Thương mại Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã nhắm vào 20 cơ quan an ninh công cộng Trung Quốc và 8 công ty, bao gồm Công ty video giám sát video Hikvision, cùng các đơn vị hàng đầu về công nghệ nhận diện khuôn mặt như SenseTime Group và Megvii Technology.
Các thực thể trên có liên quan đến "hoạt động giám sát công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các thành viên khác trong các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi", Bộ Thương mại Mỹ cho biết vào năm 2019.
Còn các chuyên gia Liên hợp quốc và các nhóm nhân quyền ước tính, hơn một triệu người, hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số khác theo đạo Hồi, đã bị giam giữ trong hệ thống trại quy mô lớn ở Tân Cương trong những năm gần đây.