Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters |
Tâm điểm của danh sách trừng phạt mới Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 31/3 là Serniya Engineering, một công ty có trụ sở tại Moscow mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc công ty này đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của các cơ quan tình báo Nga.
Nhóm công ty "vỏ bọc" toàn cầu có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng, bên trung gian hay những công ty bình phong đặt tại Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan, Singapore, Malta, và Pháp.
Trước đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ tối tân sang Nga kể từ sau khi Điện Kremlin tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2. Các biện pháp hạn chế cùng với các lệnh cấm xuất khẩu tương tự cũng đang được Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Anh, và Hàn Quốc áp dụng đối với thị trường Nga.
Cùng ngày 31/3, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 công ty công nghệ cung cấp linh kiện vi điện tử, thiết bị định vị và phần mềm chụp ảnh vệ tinh cho quân đội Nga. Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga, nằm trong danh sách các doanh nghiệp bị trừng phạt lần này.
Mỹ cũng xác định thêm ba lĩnh vực khác của Nga, bao gồm: hàng không vũ trụ, hàng hải và điện tử, là mục tiêu tiềm năng của các lệnh trừng phạt mới do tầm quan trọng chiến lược của chúng đối với nền tảng công nghiệp quốc phòng của Moscow.
Cho đến nay, các lĩnh vực được cho là đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược đối với nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin là dịch vụ tài chính, công nghệ và công nghiệp quốc phòng.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đã xác định được một cơ quan trong chính phủ Nga chịu trách nhiệm phát triển và triển khai phần mềm độc hại tấn công mạng khét tiếng Triton, cùng với một số quan chức hàng đầu khác.
Nhận định trên được Nhà Trắng đưa ra trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ ngày càng lo ngại Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công mạng vào một phần cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Vài tuần trước, các quan chức Mỹ đã có một bước đi đặc biệt khi tổ chức các cuộc trao đổi chi tiết đối với hàng trăm công ty cơ sở hạ tầng mà Washington cho rằng có nguy cơ cao nhất trở thành mục tiêu chiến tranh mạng.
Một cuộc tấn công mạng nhằm vào một mục tiêu phi quân sự được nhiều người cho là cách dễ dàng và trực tiếp nhất mà phía Nga có thể trả đũa chính quyền Tổng thống Joe Biden, bởi Mỹ có vai trò hàng đầu trong việc tập hợp một liên minh toàn cầu để cản trở nền kinh tế Nga bằng áp dụng các lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí, viện trợ cho Ukraine.
Theo thông tin công bố trên webiste của mình, Bộ Tài chính niêm yết danh sách đầy đủ các biện pháp trừng phạt mới đối với 21 tổ chức và 13 cá nhân.
Không giống như các đòn trừng phạt trước đây nhằm vào nền kinh tế và lĩnh vực quốc phòng của Nga để ngăn chặn chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ công bố hôm 31/3 không nêu tên cụ thể các quốc gia khác sẽ có hành động tương tự.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết họ đang triển khai các hành động "có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi, những bên cam kết cùng đảm bảo rằng Liên bang Nga không dùng các quyền tài phán của họ vào các mục đích phá hoại".
Các quan chức Nhà Trắng cho biết chừng nào Nga còn tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine, họ sẽ còn tiếp tục tìm cách làm suy yếu cơ sở hạ tầng quân sự của Moscow.
"Nga không chỉ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Ukraine bằng hành động gây hấn mà còn leo thang các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các khu dân cư", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu trong một tuyên bố các lệnh trừng phạt hôm 31/3.
Bà Janet Yellen cũng khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm vào cỗ máy chiến tranh của ông Putin bằng viêc áp dụng các biện pháp trừng phạt từ mọi góc độ, cho đến khi cuộc chiến này kết thúc".