Doanh nghiệp
Nấc thang mới của Sơn Hà
Khánh An - 04/10/2015 10:11
Sự thành công của thương hiệu Sơn Hà khi lần đầu tiên góp mặt trong Top 10 thương hiệu tiêu biểu nhất của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2015 đã chứng tỏ chiến lược trở về cốt lõi của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà là đúng đắn.
Điều quan trọng, sự khác biệt này không chỉ thể hiện ở mức tăng trưởng hàng năm.

Thép đã tôi…

19.00 giờ ngày 19/9, thủ tục quan trọng nhất của Cuộc họp chung tuyển Sao Vàng đất Việt năm 2015 được thực hiện. 20 thương hiệu đầu ngành được đề cử cho Top 10. 15 thương hiệu lọt vào danh sách rút gọn để bỏ phiếu kín.

20:00 giờ, lần lượt các thương hiệu đình đám được công bố. Vingroup, FPT, Viettin Bank, May Việt Tiến, Hoa Sen, Thaco,  PetroVietnam Gas, Hòa Phát, Cao su Đồng Nai và Sơn Hà.

“Tôi bất ngờ nhưng tự hào vì một chặng đường dài nỗ lực, sáng tạo hết mình vì thương hiệu, vì sản phẩm, vì khách hàng, vì đối tác đã được công nhận và vinh danh”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn, cũng là người sáng lập và phát triển thương hiệu này chia sẻ ngay sau khi thông tin được công bố.

Chặng đường đúng là rất dài, khi so Sơn Hà - Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2015 với Công ty TNHH Cơ Kim Khí Sơn Hà 17 năm trước, vốn điều lệ 600 triệu đồng. Ngay cả so với Sơn Hà năm 2009, khi lần đầu ghi tên trên bảng điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu SHI, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, Sơn Hà năm 2015 đang ở nấc thang cao hơn với tư thế hoàn toàn khác.

Còn nhớ, năm 2009, Sơn Hà chào sàn với chân dung của một doanh nghiệp mới chuyển sang công ty cổ phần được hai năm, có hai nhà máy sản xuất. Cuối năm đó, lợi nhuận sau thuế của Sơn Hà là 35,8 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức 16 tỷ đồng năm 2008; tổng tài sản tăng lên 761,4 tỷ đồng (năm 2008 là 584 tỷ đồng). Năm 2010, Sơn Hà vào đà phát triển với mức tăng trưởng đột biến. Nhà máy tại Phùng (Hà Nội) được mở rộng, tăng công suất. Nhà máy mới tại Hóc Môn (TP.HCM) đi vào hoạt động. Sản phẩm bồn nước của Sơn Hà tăng trưởng mạnh, tới 33% với đóng góp 42% tổng lợi nhuận gộp của Tập đoàn. Tổng tài sản tăng lên 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 90,2 tỷ đồng.

Sơn Hà đang mở rộng sản xuất để tận dụng các cơ hội từ hội nhập kinh tế - quốc tế

Khi đó, mọi thông tin đều cho thấy, Sơn Hà chuyên sâu vào các sản phẩm truyền thống như ống thép inox, bồn inox, chậu rửa và máy nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng. Thông điệp của Chủ tịch HĐQT gửi cổ đông năm đó không nhắc tới các kế hoạch đầu tư ngoài ngành nào.

Nhưng tình hình thay đổi vào năm 2011, khi Sơn Hà tuyên bố chọn thêm mũi nhọn là bán lẻ và đầu tư vào các dự án bất động sản, bên cạnh sản xuất công nghiệp trong chiến lược dài hạn. Sau này, khi nhìn lại, chính ông Sơn cũng chia sẻ, chiến lược của Sơn Hà, có thể cũng là cách mà hầu hết doanh nghiệp Việt Nam áp dụng, đó là tận dụng nhanh các cơ hội của nền kinh tế đang chuyển đổi và niềm tin của xã hội về sự phát triển mạnh mẽ, không có điểm dừng của nền kinh tế. Cứ ở đâu có cơ hội là làm. “Lúc đó sốt ruột lắm, chỉ sợ cơ hội qua đi”, vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà trầm ngâm.

Chính vì vậy, khi ông Sơn quyết thoái vốn khỏi các dự án bất động sản thương mại hồi đầu năm 2012, rồi rút khỏi lĩnh vực bán lẻ mà ông đã lăn lộn 3 năm liền vào năm 2013, cũng không dễ được mọi người, kể cả trong nội bộ Công ty đồng tình ngay.

“Tôi xác định, phải chỉnh lại hướng đi khi cái giá phải trả khá rõ. Còn dùng dằng, còn tổn phí”, ông Sơn kể lại quyết định quay trở lại với thế mạnh cốt lõi là sản xuất công nghiệp trong ngành kim khí. Đối tượng khách hàng được định vị lại, gồm cả  phân khúc bình dân đến cao cấp, thay vì chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng trung lưu như trước. Các dòng sản phẩm mới liên tục được tung ra thị trường. Năm 2014 là sản phẩm Máy lọc nước RO. Dự kiến, trong giai đoạn 2015- 2016, 4 sản phẩm chính với các tính năng và đối tượng tiêu dùng khác nhau sẽ ra mắt thị trường…

Chiến lược cắt bỏ và xác định cốt lõi của Sơn Hà đúng thời điểm tăng trưởng mạnh chưa từng có của thị trường thép không gỉ toàn cầu đã đem lại kết quả ngoạn mục.

Lợi nhuận của Sơn Hà năm 2014 đạt mức tăng trưởng tới 358% so với kế hoạch được đặt ra từ đầu năm (35,8 tỷ đồng so với 10 tỷ đồng). Mạng lưới chi nhánh được phát triển rộng hơn, tiếp tục có mặt tại Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Cao Bằng, Nam Định, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Quảng Trị... Sơn Hà từ nhà sản xuất thuần túy trở thành nhà sản xuất và phân phối sản phẩm.

8 tháng đầu năm 2015, theo công bố chính thức, Công ty mẹ Sơn Hà đã ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.333,87 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 78,3 tỷ đồng. Con số này tăng tới 70% so với tổng lợi nhuận trước thuế của cả năm 2014.

Không gian mới

Đầu tuần tới, vào ngày 5/10/2015, Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà sẽ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường. Thông tin được quan tâm nhất đã được công bố, đó là Sơn Hà sẽ huy động 200 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, trước đó con số này là 180 tỷ đồng. Số tiền này dành cho kế hoạch xây dựng 2 nhà máy mới ở Việt Nam và góp vốn thành lập Sơn Hà Myanmar.

Như vậy, bước chân đầu tiên của Sơn Hà ở thị trường ngoài biên giới Việt Nam đã bắt đầu thành hình.

200 tỷ đồng huy động thêm này được phân bổ 140 tỷ đồng cho việc di dời mảng sản xuất hàng gia dụng từ nhà máy ở Phùng đến nhà máy mới, do nhà máy cũ đã hoạt động hết công suất, không đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới trong khi đây là thế mạnh của Sơn Hà. Số còn lại để xây dựng 1 nhà máy tại Nghệ An và 1 nhà máy tại Myanmar.

Tuy nhiên, ông Sơn phân tích, thị trường ống thép đang tốt lên do nỗ lực tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước sau vụ kiện chống bán phá giá vào năm 2013, thị trường trong nước phục hồi tích cực, giá nguyên liệu đầu vào chưa có khả năng tăng do giá nickel vẫn ở mức thấp… là cơ hội để xây nhà máy mới.

Cộng thêm đó, nhà máy mới tại Khu công nghiệp Nam Cấm thuộc Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế khá hấp dẫn, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ ngày có thu nhập chịu thuế, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đầu tiên của dự án.

“Lựa chọn đặt nhà máy tại Nghệ An đã được tính toán kỹ lưỡng. Thị trường từ Thanh Hóa tới Quảng Bình đang là thị trường thuộc loại phát triển nhanh và mạnh nhất của Sơn Hà. Đây cũng là địa bàn thuận lợi để thâm nhập vào thị trường ASEAN”, ông Đàm Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho biết.

Đây không phải là thông tin mới. Cuối năm trước, khi thông tin về việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở cửa vào cuối năm 2015 bắt đầu được bàn nhiều, ông Sơn đã tiết lộ kế hoạch lấn sâu vào thị trường đặc biệt này. Myanmar được lựa chọn để nghiên cứu vì là thị trường có tính chất khá giống Việt Nam giai đoạn trước, nghĩa là các sản phẩm tương tự những dòng sản phẩm mà Sơn Hà đã gặt hái thành công tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường Myanmar.

Tuy nhiên, bước đi của Sơn Hà khá thận trọng. “Việc đầu tư nhà máy ở Myanmar được HĐQT bàn bạc và đề xuất phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn để giảm thiểu và tránh rủi ro cho các cổ đông”, ông Hùng phân tích thêm.

Những thông tin mới về Sơn Hà vẫn chưa dừng lại. Trong vài tháng trở lại đây, một số quỹ đầu tư, nhà môi giới chuyên nghiệp của Mỹ đã đến làm việc với Sơn Hà. Mới nhất, cuối tháng 8, đại diện Decker & Co đã có buổi gặp và tìm hiểu thông tin về SHI. Đây là nhà môi giới hàng đầu ở các thị trường mới nổi châu Á, cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư tổ chức của Hoa Kỳ tiếp cận với thông tin thị trường và công ty niêm yết tại các quốc gia này. Buổi làm việc được đặt lịch vì theo đại diện Decker & Co, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến SHI, muốn tìm hiểu thông tin về tình hình kinh doanh hiện tại cũng như kế hoạch trong tương lai của Sơn Hà.

Trong giai đoạn này, Quỹ đầu tư Vietnam Holding đến từ Thụy Sỹ và một số quỹ đầu tư nước ngoài khác đã trở thành cổ đông lớn của Sơn Hà.

Vĩ thanh

Ngay trước lễ trao Giải Sao Vàng đất Việt năm 2015 (ngày 4/10), ông Sơn đã tham dự đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (tại Mỹ) và thăm chính thức Cu Ba. Thương hiệu Sơn Hà vốn đã đặt chân tới 20 quốc gia, trong đó có thị trường Mỹ đang có thêm cơ hội tỏa rộng hơn tại lục địa này. Có thêm điểm mới trong các thông tin chào hàng cho các đối tác trong năm nay, đó là danh vị Sơn Hà - Top 10 thương hiệu tiêu biểu nhất của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2015.

Tin liên quan
Tin khác