HĐQT CTCP Nafoods Group (mã NAF) vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP trong cho thành viên HĐQT, ban cố vấn, thành viên ban điều hành, cán bộ quản lý chủ chốt và người lao động theo danh sách HĐQT quyết định.
Số lượng cổ phiếu phát hành trong đợt này là hơn 2,2 triệu đơn vị, tương đương 4,99% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Con số tỷ lệ trên cũng gần sát mức trần đối với đợt chào bán cổ phiếu cho CBCNV (5%).
Phương án thưởng ESOP đã được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa tổ chức hồi cuối tháng 5.
Công ty dự kiến phát hành trong năm 2020. Cổ phiếu NAF của Nafoods hiện đang giao dịch với mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch mỗi phiên đều rất hạn chế, thường dưới 100.000 cổ phiếu. Với việc không đưa ra thời gian hạn chế chuyển nhượng, lượng cổ phiếu ESOP này có thể gia tăng áp lực nguồn cung đáng kể, trong khi khả năng hấp thụ trên thị trường vẫn là một dấu hỏi.
Dù đợt phát hành này không khiến dòng tiền của Nafoods bị thâm hụt thêm, nguồn vốn của công ty lại bị ảnh hưởng đáng kể. Để chuẩn bị nguồn cho đợt phát hành này (15,5 tỷ đồng), Nafoods đã phải trích tới 75% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2019. Công ty cũng trích 20% lợi nhuận cho quỹ đầu tư phát triển và 5% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Trong khi đó, cổ tức năm 2019 cho các cổ đông năm nay là 0%.
Việc trích phần lớn nguồn vốn tự có được thực hiện khi Nafoods đang có tham vọng đầu tư lớn và cũng phải đẩy mạnh huy động vốn từ nguồn đi vay và phát hành riêng lẻ trong năm 2019 vừa qua. Cụ thể, công ty đã huy động được gần 198 tỷ đồng thông qua đợt phát hành hồi tháng 7/2019 cho IFC (12,36 triệu cổ phiếu ưu đãi với lợi tức cố định) và 880 nghìn cổ phiếu cho Endurance Capital Vietnam (cổ phiếu phổ thông). Nafoods còn đi vay 5 triệu USD từ Finnfund với lãi suất 6,4%/năm.
Các sản phẩm chính hiện nay của Nafoods là nước trái cây cô đặc (chanh leo, dưa hấu, thanh long…); rau củ quả cấp đông nhanh; cây giống chanh leo… Hiện có 2 dự án mà công ty đang tập trung triển khai trong năm 2020 gồm viện nghiên cứu 10 ha tại Tây Nguyên và hệ thống sấy cho các sản phẩm trái cây sấy dẻo tại Long An. Tổng mức đầu tư dự án tại Tây Nguyên là 150 tỷ đồng, trong khi dự án hệ thống sấy dẻo cũng có quy mô tới 5 triệu USD.
Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Nafoods đến cuối quý I/2020 xấp xỉ 20 tỷ đồng, tương đương 1,5% tổng tài sản. Lượng tiền này không phải xông xênh. Tại kỳ đại hội vừa qua, Chủ tịch Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khá tiếc nuối khi không thể mua gom thanh long khi loại trái cây này rớt giá từ 12.000 đồng/kg xuống 3.500 đồng/kg trong đợt dịch vừa rồi. “Đặc thù của ngành hàng xuất khẩu này phải có hàng tồn kho mới chiến thắng được. Như thời điểm thanh long rớt giá, Nafoods có tiền thì có thể kiếm được khoản lợi nhuận 50-70 tỷ đồng trong ba tháng”, ông Hùng cho hay.