Đây cũng là cấp độ 2 trong số 3 cấp độ của thị trường điện lực gồm thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Cấp độ 1 của thị trường điện lực là hình thành thị trường phát điện cạnh tranh đã được triển khai từ năm 2009 sẽ tiếp tục thực hiện đến hết năm 2014.
| ||
Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại, một trong những doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hoá của EVN |
Cấp độ 2 với việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ được triển khai trong giai đoạn 2015-2021, trong đó giai đoạn 2015-2016 là thí điểm và giai đoạn 2017-2021 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Cấp độ 3 với việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được triển khai thí điểm từ năm 2021-2023 và sau 2023 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Trong giai đoạn thị trường bán buôn điện thí điểm, một số Tổng công ty điện lực, công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện lớn sẽ được lựa chọn để tham gia.
Cũng để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong giai đoạn thí điểm, các Tổng công ty phát điện, các nhà máy điện thuộc EVN (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh do Nhà nước độc quyền quản lý theo quy định tại Điều 4 Luật Điện lực) phải tách thành đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường.
Ngoài ra, tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25% tổng công suất đặt của các đơn vị phát điện tham gia thị trường điện.
Để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Quyết định 63/2013/QĐ-TTg cũng quy định các nguyên tắc hoạt động. Đó là đơn vị bán lẻ điện mua điện từ các đơn vị phát điện, đơn vị bán buôn điện qua hợp đồng song phương và từ thị trường điện giao ngày để bán điện cho khách hàng sử dụng điện. Trong giai đoạn thí điểm thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, một số khách hàng cũng được lựa chọn để tham gia.
Trước đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức vận hành từ 1/7/2012.
Sau 1 năm vận hành đã có 37 nhà máy với tổng công suất hơn 9.500 MW tham gia trực tiếp chào giá trên thị trường điện, chiếm 40% công suất đặt của toàn hệ thống. Cũng có khoảng 55 nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt gần 16.042 MW, chiếm 62,7% tổng công suất đặt toàn hệ thống (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ). Lý do được đưa ra là chưa hoàn thành hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, chưa đăng ký hoặc không được tham gia thị trường điện.
Dẫu vậy, để chuẩn bị cho các bước tiếp vận hành tiếp theo của thị trường điện, trong EVN cũng hình thành nên 3 tổng công ty phát điện hoạt động chính thức từ tháng 1/2013. Ngoài ra còn có Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực – Than khoáng sản thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản.
Thanh Hương