Điểm khác biệt lớn nhất của Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội là giảm thuế TNDN phổ thông từ 25% xuống 22% thay vì 23% như Dự thảo cũ và ấn định thời gian áp thuế TNDN phổ thông 20% kể từ ngày 1/1/2016.
“Mức thuế suất phổ thông của Việt Nam hiện nay (25%) tuy không cao hơn các nước trong khu vực nhưng cần được nghiên cứu từng bước điều chỉnh giảm để đảm bảo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giải thích.
| ||
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh, mức thuế suất phổ thông của Việt Nam cần điều chỉnh giảm dần để đảm bảo hấp dẫn đầu tư, khuyến khích sản xuất, kinh doanh |
Ngoài đối tượng phải chịu thuế suất phổ thông, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.
Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% là số lao động và doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề.
Điểm khác biệt so với Dự thảo cũ nữa là, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối phần thu thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) nếu dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc 300 triệu USD, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.
Doanh nghiệp cũng được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối phần thu thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) nếu dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc 300 triệu USD, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động.
Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội không chỉ tính đến mục tiêu ổn định lâu dài mà còn tính đến hiệu quả thu hút đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu, và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
“Bên cạnh việc tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh việc giảm thuế TNDN phổ thông từ 25% xuống 22% và áp thuế 20%, áp thuế 10% có thời hạn cho một số đối tượng cũng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Ninh phân tích.
Ông Ninh cho rằng, việc giảm thuế suất và áp thuế ưu đãi cho một số đối tượng chắc chắn tác động giảm thu ngân sách nhà nước trong những năm đầu, nhưng sẽ tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn.
Với các mức thuế suất thuế TNDN như dự kiến, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính của Quốc hội, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
“Các mức thuế suất và các chính sách ưu đãi trong Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển nhận định.
Mạnh Bôn