Thời sự
Năm 2019, sản xuất, kinh doanh trong nước đối mặt áp lực cạnh tranh lớn hơn
Thế Hải - 26/10/2018 16:49
Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.
TIN LIÊN QUAN
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.

Từ 14h chiều nay (26/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận chiều của ngày thứ nhất ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhìn về kế hoạch năm 2019, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.Hồ Chí Minh) lo ngại vấn đề tỷ giá sẽ gây áp lực lên lãi suất, từ đó tác động tới lạm phát.

Vừa qua tỷ giá đã điều chỉnh tăng nhẹ theo hướng có lợi cho xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu lại chịu áp lực tăng chi phí, trong khi các dịch vụ như logistic vẫn cao. 

"Áp lực tỷ giá, lãi suất làm tăng cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, nên hiệu quả chung giảm xuống, thu nhập của doanh nghiệp giảm theo",

Đại biểu Trần Anh Tuấn lưu ý, chính sách tỷ giá tới đây phải thận trọng để không gây áp lực lên chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, trong bức tranh chung, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và kết quả tích cực đã đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai.

Trong bối cảnh sức ép về lãi suất đồng đô la Mỹ, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.

Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,6-6,8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt các mục tiêu trong năm 2019, trong đó, lưu ý các nhóm giải pháp:

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, trong đó tập trung: điều hành giá cả thận trọng; kết hợp hài hòa, linh hoạt các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống thất thu; đẩy mạnh hơn nữa rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp tục quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách theo đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đề ra; đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đối với các lĩnh vực xã hội trong tình hình mới; thúc đẩy tiến bộ trong phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao, các vấn đề xã hội khác...; cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần duy trì ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác