Doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hội chợ thương mại để kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở phía Bắc. Điều này giúp rau quả Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc. |
2019 – một năm “sóng gió” của xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong cả năm 2019, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,74 tỷ USD, giảm gần 2% so với năm trước đó. Dù rau quả được xuất khẩu nhiều sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan nhưng vẫn khó bù đắp được sự sụt giảm từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do quy định các mặt hàng rau quả xuất khẩu phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc với quy cách chi tiết.
Được biết, các quy định được phía Trung Quốc thông báo từ cuối năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, đặc biệt lưu ý về thông tin, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Ngoài sự thay đổi khách quan từ phía Trung Quốc, một phần nguyên nhân đến từ sự chủ quan của doanh nghiệp Việt Nam. Như với chôm chôm, do cung không đủ, phải nhập thêm cả chôm chôm Thái Lan nên có tình trạng "ruột một đằng bao bì một nẻo", hay thanh long Việt Nam trùng vụ mùa với Trung Quốc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng để giao cho khách hàng bên Trung Quốc nên nhập chôm chôm của Thái Lan để bù đắp vào lô hàng xuất khẩu nếu không sẽ bị phạt hợp đồng.
Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam nói thêm, không chỉ Trung Quốc mà trước đây đối với nhiều thị trường khác, doanh nghiệp cũng nhập hàng Thái Lan để bù đắp vào nguồn cung thiếu hụt để đáp ứng đơn hàng trong hợp đồng vì trái cây Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau.
Đối với các lô hàng thanh long, ông Nguyên cho biết, do vụ mùa của Việt Nam và Trung Quốc trùng nhau nên xảy ra tình trạng "đụng chợ". Điều này dẫn đến Hải quan Trung Quốc có những biện pháp kĩ thuật để làm các lô hàng thanh long bị chậm lại.
"Vụ mùa thanh long của Việt Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trùng với thời điểm vụ mùa thanh long ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết thanh long Việt Nam được bán sang các tỉnh này của nước bạn", ông Nguyên nói.
Những yếu tố trên đã khiến kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giảm mạnh. Từ sang tháng 6 (tức 1 tháng sau khi qui định dán nhãn có hiệu lực), kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 280 triệu USD, giảm tới 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 26,5% so với tháng 5. Đỉnh điểm là tháng 7 và tháng kim ngạch giảm mạnh hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy những tháng cuối năm có nhích nhẹ nhưng kết quả xuất khẩu vẫn giảm so với 2018.
Năm 2020 sẽ khởi sắc?
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc sẽ từng bước ổn định hơn do các doanh nghiệp dần quen với các quy định trong nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc.
Cục khuyến cáo doanh nghiệp chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất, đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hội chợ thương mại để kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở phía Bắc. Điều này, giúp rau quả Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc thay vì các tỉnh biên giới.
"Thực tế, đã có doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc qua đường biển, chi phí không quá cao mà còn tránh được tình trạng "đụng chợ" khi mùa thanh long tới", ông Nguyên nói.