Trước đó, Nghị định số 70/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 bằng 50% mức thu được quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2020 về lệ phí trước bạ.
Dây chuyền lắp ráp xe ô tô Mazda tại Việt Nam |
Việc ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP được xem là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Ước tính của Bộ Tài chính cho hay, tổng số lệ phí giảm của mặt hàng ô tô khiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng. Theo lộ trình, Nghị định 70/2020/NĐ - CP cũng sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
“Trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán một số nước (Indonexia, Thái Lan) và Hiệp hội (Eurocham) có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ, khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì không tiếp tục xem xét kéo dài”, văn bản số 14246/BTC-CST của Bộ Tài chính cho hay.
Trên cơ sở giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã quyết định hỗ trợ nột 50% lệ phí trước bạ còn lại. Ngay cả các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng chấp nhận hỗ trợ khách hàng 50% phí trước bạ khi mua xe cho bằng với các mẫu xe trong cùng phân khúc nhưng được lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.
Điều này cũng đã kích thích nhu cầu mua xe trong dân cư. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong 10 tháng của năm 2020 vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 18%; xe thương mại giảm 17% và xe chuyên dụng giảm 32%.
Dẫu vậy tính riêng trong tháng 10/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đã đạt 33.254 xe, bao gồm 25.339 xe du lịch; 7.528 xe
thương mại và 387 xe chuyên dụng. Nghĩa là doanh số của xe du lịch đã tăng 23%; xe thương mại tăng 17% và xe chuyên dụng tăng 71% so với tháng 9/2020.
Nếu xét về cơ cấu sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu thì sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.498 xe, còn xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.756 chiếc, tăng tương ứng là 15% và 35% so với tháng trước.
Điều này cho thấy thị trường ô tô đang rất khởi sắc, nhất là đây lại là thời điểm bán hàng sôi động nhất trong năm. Thực tế có nhiều mẫu xe hiện tại đặt hàng thì phải tới sang đầu năm 2021 mới được nhận xe.