Sức khỏe doanh nghiệp
Năm 2023, Coteccons lên kế hoạch tăng trưởng 10,1 lần và giảm trích dự phòng giai đoạn 2017-2019
Duy Bắc - 24/04/2023 08:19
Sau năm 2022 trích lập thêm 500 tỷ đồng cho 16 dự án phát sinh từ 2017 - 2019, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) lên kế hoạch giảm trích lập dự phòng và nới room lên 100% trong năm 2023.

Kế hoạch lãi gấp 10,1 lần trong năm 2023

Coteccons công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội được tổ chức ngày 25/4, cổ đông có thể tham dự bằng hình thức trực tiếp tại TP. HCM hoặc trực tuyến.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Coteccons đã thông qua việc chuyển đổi năm tài chính của Công ty tính từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch thành năm tài chính tính từ ngày 1/7 đến ngày 30/6 năm sau.

Năm tài chính đầu tiên áp dụng sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt chuyển đổi bắt đầu từ ngày 1/1/2023 và ngày kết thúc vào ngày 30/6/2023.

Do đó, Coteccons đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2023 (1/1 - 30/6) với 7.644 tỷ doanh thu và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, lần lượt tăng 144% và 880% so với cùng kỳ.

Tính chung cho cả năm 2023, Coteccons dự kiến doanh thu là 16.249 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 233 tỷ, lần lượt tăng 12% về doanh thu và tăng 11 lần về lợi nhuận so với năm ngoái.

Được biết, trong năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 14.537 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch doanh thu (kế hoạch 15.000 tỷ đồng) và ghi nhận lợi nhuận đạt 21 tỷ đồng, bằng 105% so với kế hoạch lợi nhuận (kế hoạch lợi nhuận 20 tỷ đồng).

Điểm nổi bật trong năm 2022 của Coteccons như hoàn thành đúng thời hạn và bàn giao cho khách hàng 18 dự án như Vinhomes Grand Park – Phân khu 2, Vinfast, Hilton Vũng Tàu; hoàn thành đóng bảo hành 19 dự án như Masteri Thảo Điền, Friendship Tower, Kingdom 101, Hòa Phát – Dung Quất 1…

Thêm nữa, trong năm 2022, Coteccons đã thắng thầu hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó giá trị backlog chuyển sang năm 2023 là 17.000 tỷ đồng. Được biết, giá trị backlog chuyển tiếp chưa tính đến giá trị backlog của dự án Lego.

Ngoài ra, cũng trong năm 2022, Coteccons đã thực hiện kiểm soát quản trị rủi chặt chẽ trong bối cảnh các chủ đầu tư đang gặp khó về dòng tiền, kết quả đạt được, Công ty không phát sinh nợ xấu từ những chủ đầu tư gặp rắc rối về thanh khoản. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục trích lập dự phòng 388 tỷ đồng và dự kiến tốc độ trích lập dự phòng năm 2023 sẽ giảm hơn 2,3 lần so với năm 2022. Trong đó, giai đoạn 2020-2022, Công ty tập trung trích lập dự phòng cho 16 dự án vận hành theo mô hình quản lý cũ, được xây dựng từ giai đoạn 2017-2019. Trong giai đoạn này, ban quản trị giai đó đã không trích lập dự phòng cho 16 dự án dù một số đã phát sinh nhiều vấn đề trong việc công nợ phải thu.

Tính đến hết năm 2022, Coteccons đã xử lý gần như toàn bộ công nợ của 16 dự án, do đó kể từ năm 2023 trở đi, Coteccons tự tin chi phí trích lập dự phòng sẽ giảm so với giai đoạn năm 2020-2022.

Về định hướng năm 2023, Coteccons với mục tiêu hướng đến các chuẩn mực quốc nhằm kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống, tinh gọn bộ máy và tối ưu hóa chi phí. Trong năm 2023, Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương kết hợp tối ưu hóa chi phí.

Trong đó, Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương kết hợp tối ưu cả định hướng đầu tư dài hạn và ngắn hạn trên nguồn lực hiện có. Đối với định hướng đầu tư dài hạn, Công ty sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang các lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản, nhằm cung cấp giải pháp, sản phẩm, dịch vụ toàn diện hướng đến khách hàng. Đối với ngắn hạn, đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tối ưu dòng tiền nhàn rỗi.

Thêm nữa, Công ty sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động, văn hóa kinh doanh, đặc biệt là tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ con người cho các nhiệm vụ ngày càng cao hơn. Về mặt kinh doanh, Coteccons sẽ đẩy mạnh repeat sales, nâng cấp tiêu chuẩn lượng và hiệu suất lao động tại các công trường.

Thưởng cổ phiếu và nới room lên 100%

Một nội dung đáng chú ý, Coteccons trình cổ đông cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được quyền nhận thêm 1 cổ phiếu mới, nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển. Nếu phát hành thành công, Coteccons sẽ phát hành thêm hơn 24,8 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 788,3 tỷ đồng lên 1.036,4 tỷ đồng và dự kiến triển khai trong năm 2023 hoặc thời gian khác.

Về vấn đề nới room, tại buổi gặp gỡ cổ đông cuối năm 2022, Ban lãnh đạo Coteccons chia sẻ kế hoạch nới room với cổ đông và tại ĐHĐCĐ năm 2023, Coteccons đã trình cổ đông sửa đổi một số ngành nghề và đồng thời bỏ ngành nghề sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, xi măng và thạch cao để nâng room ngoại lên tối đa 100%.

Được biết, hiện tại room nước ngoài tối đa của Coteccons là 49% và đã kín room, vì vậy nhiều nhà đầu tư, quỹ ngoại không thể mua thêm cổ phiếu CTD.

Đối với kế hoạch giữ chân nhân tài, Coteccons cho biết nhằm khích lệ tinh thần cán bộ nhân viên hướng đến sự gắn bó lâu dài đối với các nhân sự chủ chốt trong Công ty và Công ty con, Coteccons dự kiến dùng 713.295 cổ phiếu quỹ để phát hành cổ phiếu ESOP, tương ứng chiếm 0,97% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến triển khai trong năm 2023 hoặc thời gian khác theo quyết định của HĐQT sau khi UBCKNN chấp thuận.

Trong đó, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày phát hành và số tiền huy động được bổ sung vốn lưu động của Công ty.

Bên cạnh đó, với tham vọng vốn hóa thị trường sau 5 năm đạt 1 tỷ USD, Coteccons xây dựng phương án phát hành ESOP với tỷ lệ tối đa 12,5% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương 2,5%/năm.

Trong đó, tiêu chí phát hành là giá cổ phiếu trung bình năm tăng ít nhất 10%/năm. Được biết, chương trình ESOP 5 năm là một chương trình dài hạn mà HĐQT Coteccons xây dựng để giữ chân nhân tài, hướng đến sự gắn bó lâu dài của các nhân sự chủ chốt nhằm phục vụ chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của Công ty đồng thời gắn lợi ích của các nhân sự chủ chốt với nhiệm vụ gia tăng lợi ích và giá trị cổ phiếu cho cổ đông.

Coteccons cũng trình cổ đông nghiên cứu cơ hội kêu gọi vốn đầu tư vào Unicons nhằm mục đích mở rộng nguồn vốn phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn tại Unicons.

Được biết, Unicons được thành lập năm 2006, sau 17 năm hình thành và phát triển, Unicons đã khẳng định thương hiệu là một trong những Tổng thầu thi công xây dựng uy tín tại Việt Nam khi liên tục lọt vào top 10 nhà thầu xây dựng uy tín từ năm 2018-202. Đến nay, mặc dù đang hoạt động chỉ với vốn điều lệ 94,5 tỷ đồng, Unicons vẫn thể hiện là một Công ty Xây dựng vững mạnh nhất trong hệ sinh thái của Coteccons với tổng tài sản 5.018 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.592 tỷ đồng, giá trị sổ sách bằng 16,8 lần so với vốn điều lệ và doanh thu năm 2022 là 5.773 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu CTD tăng 1.700 đồng lên 55.000 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác