Doanh nghiệp
Năm 2023, EVNGENCO1 lên kế hoạch sản xuất 36,35 tỷ kWh
Hoàng Nam - 07/12/2022 15:20
Kế hoạch sản lượng năm 2023 đã được EVNGENCO1 tính toán và trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 36,53 tỷ kWh, tăng 19,8% so với ước thực hiện năm 2022.

Theo ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2023, phần đóng góp do các đơn vị trực thuộc EVNGENCO1 là 26,6 tỷ kWh, tăng 34 % so với ước thực hiện năm 2022.

Phần sản lượng điện sản xuất của các công ty con, công ty liên kết là 9,97 tỷ kWh, giảm 6,6 % so với ước thực hiện năm 2022.

Với kế hoạch sản xuất năm 2023 là 36,53 tỷ kWh được dự kiến, sản lượng điện sản xuất của EVNGENCO1 sẽ chiếm khoảng 12,6% điện sản xuất và mua toàn hệ thống ứng với phương án cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 1

Để đạt được kế hoạch sản lượng nêu trên, ông Nguyễn Tiến Khoa cũng cho hay, EVNGENCO1 sẽ phải có các giải pháp điều hành khả thi, quyết liệt mới.

Đơn cử như hiện tại Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đơn vị phát điện được chủ động mua nhiên liệu phát điện. Đây là cơ chế tạo sự chủ động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên với những điều kiện hiện nay thì vẫn có những rủi ro xảy ra.

Chẳng hạn, quy định hiện hành về công tác đấu thầu, trong công tác đấu thầu mua than, đơn vị trúng thầu là đơn vị có giá chào thấp nhất vì vậy sẽ có rủi ro và khó đảm bảo an ninh năng lượng khi giá than thị trường tăng cao. Lúc đó nếu bị lỗ các nhà cung ứng than sẽ tìm lý do để kéo dãn tiến độ hoặc dừng cấp than theo nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng, điều này dẫn đến các tổ máy sẽ thiếu than để phát điện.

Theo lãnh đạo EVNGENCO1, để tránh những rủi ro trong cung ứng nhiên liệu phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cần có cơ chế đặc thù cho công tác mua than nhập khẩu được liên Bộ ngành thống nhất ban hành nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đồng thời cần nghiên cứu, xem xét cơ chế giao cho một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm đơn vị đầu mối nhập khẩu than, sau đó TKV sẽ bán lại cho các đơn vị phát điện trong toàn quốc, điều này sẽ tăng tính an toàn hơn trong công tác cung ứng nhiên liệu phục vụ phát điện.

Liên quan đến mục tiêu mức phát thải ròng sẽ về 0 vào năm 2050, EVNGENCO1 cũng cho biết đã có tính toán và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm đạt yêu cầu giảm phát thải đồng thời đảm bảo khả năng cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chú trọng vào đầu tư cho công nghệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện hiện hữu nhằm đáp ứng Quy chuẩn môi trường hiện hành.

Tại các dự án nguồn điện mới, EVNGENCO1 cũng sẽ tập trung đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, dự án sử dụng các công nghệ mới có mức phát thải thấp đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại với tầm nhìn dài hạn là trở thành đơn vị phát điện lớn và phát triển bền vững ngang tầm các đơn vị phát điện khu vực ASEAN.

Trung tâm điện lực Duyên Hải tại tỉnh Trà Vinh

Với sản lượng điện hàng năm sản xuất khoảng 40 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống điện quốc gia, từ năm 2021, EVNGENCO1 đã xây dựng đề án về sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nhận diện được những rủi ro có thể xảy ra và định hướng cho các bước đi của doanh nghiệp.

Đề án này cũng đưa ra các kịch bản khác nhau từ kịch bản có chi phí sản xuất cao, rủi ro trong cung cấp nguyên, nhiên liệu đến kịch bản có chi phí sản xuất thấp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhằm đảm bảo tối ưu hoá doanh thu, tiết giảm chi phí, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện theo yêu cầu của hệ thống.

Từ các kịch bản tính toán của Đề án, Tổng Công ty đã chủ động đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả trong quản lý, điều hành phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn để không rơi vào tình huống thụ động trong bất cứ lúc nào.

“Nguyên tắc của thị trường điện là những nguồn có chi phí thấp sẽ được ưu tiên huy động trước, vì vậy EVNGENCO1 phải có giải pháp trong quản lý, điều hành để chi phí sản xuất điện của Tổng công ty thấp nhất, cạnh tranh với các đơn vị phát điện khác trên thị trường điện cạnh tranh. Trước mỗi ngày vận hành, Tổng công ty đều có kịch bản tổng thể vận hành thị trường điện gửi các đơn vị thành viên để các đơn vị có phương án chào giá, huy động nguồn của mình sao cho tối ưu doanh thu – chi phí”, ông Nguyễn Tiến Khoa nói.

Tin liên quan
Tin khác