Kỷ lục mới trong thành lập và tái gia nhập thị trường của doanh nghiệp năm 2023 một lần nữa khẳng định nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn vẫn rất lớn, đòi hỏi tiếp tục có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024. Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phùng Quốc Chí chia sẻ.
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Thưa ông, ngược lại với những lo ngại từ đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường năm 2023 đi ngược chiều gió, tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới. Điều gì đã tạo nên con số rất đáng mừng này?
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2023 đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2022 (173.919 doanh nghiệp).
Phải khẳng định ngay, con số này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế năm 2023 biến động phức tạp, khó lường với những con gió ngược. Còn nhớ, trong các quý đầu năm, hoạt động của doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất và lao động. Cùng với đó, chi phí đầu vào, nguyên liệu ở mức cao, chi phí vận chuyển tăng nhanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước…
Song, điều này cũng cho thấy hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể kể tới các giải pháp như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dần có đà phục hồi ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160.000 doanh nghiệp.
Có thể nói, bức tranh sáng về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 là sự cộng hưởng của nỗ lực của doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn. Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có sự gia tăng mạnh mẽ.
Năm nay có thể cũng là năm ghi nhận số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn, thưa Cục trưởng?
Đây là thực tế cần phải được phân tích, nhận định để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Trong năm 2023, khoảng 172.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất kể từ năm 2017 tới nay. Có thể nói, đây là dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong nền kinh tế, trong hoạt động của doanh nghiệp còn lớn và chưa thể sớm chấm dứt.
Mặc dù vậy, cũng cần làm rõ, phần lớn trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%). Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường. Trong số các doanh nghiệp giải thể, phần nhiều có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.
Như vậy, chúng tôi nhận định, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sẽ cần tiếp tục trong năm 2024, một mặt giải tỏa bớt áp lực cho doanh nghiệp trong các nội dung trên nhưng mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động, đầu tư, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường, bạn hàng cũng như tận dụng cơ hội mới của nền kinh tế trong năm 2024.
Những dự báo về tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2024 cũng tiếp tục cho thấy bất ổn và thách thức vẫn là các từ được nhắc đến, chắc chắn sẽ tác động tới các quyết định thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư. Vậy số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường năm tới liệu có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực như trong thời gian qua?
Khó khăn, thách thức còn rất lớn nhưng các cơ hội cũng đang được nhìn nhận rõ ràng hơn. Tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó và trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự báo tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162,5 nghìn doanh nghiệp.
Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, bởi tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt Nam rất mạnh mẽ, dù phải chống chịu với những khó khăn bủa vây hậu Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình thế giới.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này thì cần có những giải pháp quyết liệt, nhanh chóng, ưu tiên việc tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp..., qua đó tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh hơn các quyết định đầu tư - kinh doanh.
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường… cần được đẩy mạnh.
Đặc biệt, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng phải là ưu tiên trong năm 2024, để mở ra không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp.