Đầu tư Phát triển bền vững
Năm 2023, Hưng Yên có thêm 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Quỳnh Nga - 18/02/2023 18:14
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Hưng Yên tập trung triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả. Đã có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 23 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu... Diện mạo nông thôn mới tại địa phương ngày càng đổi thay theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Trong đó, 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 bao gồm: Phan Sào Nam, Nhật Quang, Tiên Tiến, Minh Tiến (huyện Phù Cừ); Long Hưng, Xuân Quan, Thắng Lợi (huyện Văn Giang); Dị Chế, Nhật Tân (huyện Tiên Lữ); Đình Dù (huyện Văn Lâm); Bình Minh (huyện Khoái Châu), Yên Phú (huyện Yên Mỹ) và Hồng Nam (Thành phố Hưng Yên). 

Thành phố Hưng Yên.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Phó trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt trong thời gian qua.

Theo ông Nam, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; các sở, ngành thường xuyên, chủ động rà soát các văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung các tiêu chí đảm đúng với các quy định, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (ưu tiên các công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân)...

Năm 2023, Hưng Yên phấn đấu có thêm 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15 - 20 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025…

Đến nay, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, chú trọng các tiêu chí về giao thông, giáo dục văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, chất lượng môi trường sống, môi trường... để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn ngày càng có bước chuyển mình khá toàn diện, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa và bảo trì hàng năm; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa đạt tỷ lệ cao.

Về giáo dục, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi, 100% tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1. Một số các địa phương ,cơ cấu sản xuất nông nghiệp dần chuyển dịch sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có mô hình ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực văn hóa, y tế, an ninh trật tự đều đảm bảo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Về chất lượng môi trường sống, tỉnh chú trọng giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt cao;  chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Việc triển khai, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân được triển khai đảm bảo khách quan, đúng thời gian quy trình.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận giải pháp thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu… trong thời gian tới.

Để đạt mục tiêu này, địa phương cũng xác định tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai, nhân rộng việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội...

Tin liên quan
Tin khác