Quốc tế
Năm 2024, chứng khoán thế giới vẫn giữ nhịp tăng giữa bất ổn
Đông Phong - 24/12/2024 12:34
Trong bối cảnh chiến sự ở Trung Đông và Ukraine, suy thoái kinh tế của Đức, sự hỗn loạn về ngân sách của Pháp và sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, năm 2024 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp chứng khoán thế giới đạt mức tăng trên 17%.
Năm 2024 đánh dấu năm thứ hai tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu Phố Wall nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Ảnh: AFP

Phố Wall tiếp tục dẫn dắt

Sức tăng trưởng mạnh mẽ đó chủ yếu là nhờ năm thứ hai tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu Phố Wall khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã thu hút thêm dòng vốn toàn cầu vào thị trường tài sản Mỹ và đưa đồng bạc xanh tăng giá 7% so với các đồng tiền khác trong năm 2024, theo Reuters.

Sự phấn khích của các thị trường tài sản Mỹ tăng lên sau chiến thắng vang dội của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11 do các nhà giao dịch kỳ vọng vào các kế hoạch cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định của ông Trump.

Tâm lý đám đông cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa Bitcoin - đồng tiền ảo đắt giá nhất thế giới - tăng dựng đứng 128% so với năm 2023.

Bước vào năm 2025, các thị trường thế giới ngày càng chịu ảnh hưởng bởi các xu hướng của Mỹ, trong đó một yếu tố rủi ro đã bùng nổ sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) làm chao đảo thị trường những ngày cuối năm 2024 với dự tính thực hiện số đợt cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm tới.

Động thái của Fed diễn ra sau thông tin dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ và đợt tăng lãi suất bất ngờ của Nhật Bản vào giữa năm 2024 đã gây áp lực lên các tài sản được định giá bằng đô la Mỹ và khiến nhà đầu tư tháo chạy trong thời gian ngắn của tháng 8.

Các nhà đầu tư trái phiếu ngày càng lo lắng về mức thuế quan do ông Trump đề xuất sẽ thúc đẩy lạm phát và lo sợ Nhà Trắng sẽ vay nợ quá mức, những yếu tố này có thể làm xáo trộn thị trường trái phiếu kho bạc trị giá 28.000 tỷ USD và gây ra sự gián đoạn trái phiếu chính phủ rộng hơn.

"Sẽ rất khó khăn, trong trường hợp (Mỹ) thoái lui, để tìm nơi nào đó ẩn náu", ông Julien Lafargue, chiến lược gia trưởng tại Barclays, nhận định.

Chỉ số S&P 500 của Phố Wall đã tăng 24% trong năm 2024 sau khi có mức tăng tương tự vào năm ngoái, đánh dấu hai năm liên tiếp tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1998.

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo Nvidia đã nhảy vọt 172% trong năm 2024, còn cổ phiếu hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã tăng 69% trong khi mức độ tiếp cận của các nhà đầu tư với cổ phiếu Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào tháng 12/2024.

Theo công ty quản lý tài sản đa quốc gia Schroders (Vương quốc Anh), giá trị kết hợp của nhóm 7 cổ phiếu công nghệ hàng đầu Mỹ (gọi là Magnificent 7) chiếm khoảng 1% chỉ số cổ phiếu thế giới của MSCI, điều này đồng nghĩa mức độ đe dọa thị trường cũng tăng lên nếu lợi nhuận hay công nghệ AI của các công ty công nghệ này không như mong đợi.

Thị trường châu Âu gồng sức

Năm 2024, đồng euro đã trượt giá khoảng 5,5% so với đồng đô la Mỹ trong khi các cổ phiếu trong rổ chỉ số STOXX của châu Âu hoạt động kém hơn so với các đối thủ Mỹ, ít nhất là trong 25 năm qua.

So với cổ phiếu châu Âu, thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng nhiều hơn 25 điểm phần trăm trong năm nay, một khoảng cách kỷ lục giữa hai khu vực khi xem xét dữ liệu từ năm 2004.

Sau 4 lần Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất, nền kinh tế khu vực đồng euro đang suy giảm chậm hơn và một số nhà dự báo đang dự đoán kinh tế châu Âu sẽ phục hồi vào năm 2025.

Cơ hội để bất kỳ thị trường quốc tế nào phục hồi nếu Mỹ suy yếu thường rất mong manh. Vàng đã tăng 27% vào năm 2024 khi các nhà đầu tư phải vật lộn để tìm kiếm lợi nhuận từ các giao dịch đa dạng hóa khác.

Thị trường Trung Quốc lượn sóng

Cổ phiếu Trung Quốc đã có một năm đầy biến động, tăng gần 16% chỉ trong một tuần vào tháng 9/2024 sau khi Bắc Kinh ra tín hiệu sẵn sàng kích thích nền kinh tế đang suy yếu, với một số đợt giảm mạnh hàng tuần kể từ đó.

Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc trong năm 2024 đã được đền đáp bằng mức tăng trưởng hàng năm 14,5% nhưng nhiều người dự đoán chu kỳ bùng nổ và suy thoái ngắn hạn sẽ tiếp tục, làm gián đoạn thị trường ở châu Âu và châu Á, cho đến khi Bắc Kinh có hành động trực tiếp.

Trái phiếu kiếm lời từ những thị trường rủi ro nhất

Lãi suất năm 2024 đã giảm ở khắp các nền kinh tế lớn trong năm nay nhưng các nhà đầu tư trái phiếu đã phải chịu tổn thất do kỳ vọng vào nới lỏng tiền tệ nhiều hơn mức mà các ngân hàng trung ương thực hiện.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng khoảng 60 điểm cơ bản trong năm 2024, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Anh nhảy vọt 100 điểm cơ bản, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng thêm 16 điểm cơ bản.

Tại Nhật Bản, nơi lãi suất tăng gấp đôi trong năm 2024 khi lạm phát tăng tốc, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm 45 điểm cơ bản, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2003.

Điều bất ngờ của năm 2024 là nhiều nhà đầu tư trái phiếu kiếm lời ngay ở những thị trường rủi ro nhất.

Đơn cử, trái phiếu bằng đô la của Lebanon đã mang lại lợi nhuận khoảng 100% trong năm 2024 khi các nhà đầu tư dự đoán xung đột ở Trung Đông làm suy yếu nhóm vũ trang Hezbollah.

Một chương trình cải cách đầy tham vọng và triển vọng Trump trở lại Nhà Trắng đã thúc đẩy lợi nhuận 100% cho trái phiếu đô la do Argentina phát hành, nơi mà nhà lãnh đạo Javier Milei có mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump.

Cũng liên quan đến ông Trump, trái phiếu Ukraine, vốn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi kỳ vọng ông Trump có thể chấm dứt xung đột Ukraine - Nga, cũng thu về khoản lợi nhuận hơn 60%.

Bước sang năm 2025, thị trường trái phiếu toàn cầu dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do lo ngại những tác động khó lường từ các chính sách của ông Trump. Tuy vậy, sau thắng lợi bất ngờ ở những thị trường rủi ro nhất ở năm 2024, nhà đầu tư vẫn giữ triển vọng tích cực cho trái phiếu năm tới.

Tin liên quan
Tin khác