. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030. Dự thảo khẳng định, CMCN 4.0 là một cơ hội rất lớn để một quốc gia vươn lên trình độ phát triển cao hơn.
Thậm chí, theo tính toán của Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu tận dụng được CMCN 4.0, kinh tế Việt Nam sẽ có những lợi ích đáng kể.
Cụ thể là, đến năm 2030, GDP có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0).
CMCN 4.0 dự kiến cũng sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc việc làm trong nền kinh tế. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.
Chiến lược được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức về CMCN 4.0 của toàn xã hội, qua đó nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
Dự kiến, Việt Nam sẽ thực hiện CMCN 4.0 trên cơ sở thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong doanh nghiệp và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số là đột phá; coi giáo dục, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ là nhân tố cốt lõi; và lấy cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế và bảo đảm an toàn, an ninh mạng làm tiền đề.
Việt Nam cũng lên kế hoạch áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian nghiên cứu và ban hành chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất - kinh doanh hiện tại nhằm tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh thông minh hơn và hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí, mở rộng thị trường - quản trị chuỗi cung ứng tốt hơn, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới nhanh hơn, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW. Xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 cũng là nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 52-NQ/TW đưa ra.
Đó là chủ động và tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Dựa trên mục tiêu tổng quát này, Dự thảo Chiến lược cũng đã đưa ra một loạt mục tiêu cụ thể khác.
Chẳng hạn, đến năm 2025, nâng cao chất lượng môi trường thể chế kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; đưa kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 1,5% GDP…
Đến năm 2030, đưa kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 2% GDP…