Việt Nam đang thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước". |
Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực điều tra phòng vệ thương mại và theo dõi hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2025-2030” vừa được Bộ Công thương phê duyệt.
Việc thực hiện Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về các ngành sản xuất trong nước có liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả điều tra phòng vệ thương mại.
Đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, đóng vai trò là công cụ chiến lược trong việc bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng tại thị trường trong nước.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thiện cơ chế hướng dẫn triển khai cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước.
Theo đó, đến năm 2026, xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể cho việc thiết lập, vận hành, và chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, hoàn thiện tiêu chuẩn bảo mật và tích hợp dữ liệu để đảm bảo quá trình thu thập và phân tích thông tin diễn ra chính xác, hiệu quả.
Đến năm 2030, hoàn thiện cơ chế kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2026 phải hoàn thành cơ sở dữ liệu của 5 ngành sản xuất trong nước có hàng hóa liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng và ngành sản xuất trong nước có hàng hóa liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có thể được khởi xướng.
Đến năm 2030, hoàn thành cơ sở dữ liệu của 20 ngành sản xuất trong nước có hàng hóa liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng và 6 ngành sản xuất trong nước có hàng hóa liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có thể được khởi xướng, cập nhật dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước đã có cơ sở dữ liệu.
Song song đó là phát triển các phần mềm và công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước, dự đoán các kịch bản có thể xảy ra, đồng thời triển khai các tiện ích chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và người dùng là doanh nghiệp.
Tối ưu hóa việc chia sẻ và khai thác dữ liệu giữa các cơ quan và doanh nghiệp, đảm bảo phục vụ hiệu quả cho quá trình điều tra và theo dõi các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tăng cường nhận thức, năng lực của cán bộ, doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước, đến năm 2026, 30% doanh nghiệp trong các ngành sản xuất đã có cơ sở dữ liệu được cấp quyền khai thác và có khả năng tra cứu thông tin dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước.
Đến 2023, đảm bảo tất cả cán bộ có kiến thức và khả năng sử dụng dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước. 80% doanh nghiệp trong các ngành sản xuất đã có cơ sở dữ liệu được cấp quyền khai thác và có khả năng tra cứu thông tin dữ liệu của các ngành sản xuất.
Phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu ngày càng nóng, do quy mô thương mại của Việt Nam ngày càng lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến cuối năm 2024, hàng hóa Việt Nam đã chịu điều tra trong khoảng 273 vụ việc phòng vệ thương mại tại 25 thị trường.
Riêng năm 2024 chứng kiến số lượng vụ điều tra phòng vệ gia tăng đáng kể với 29 vụ điều tra mới, tăng gấp đôi so với năm 2023 và chỉ thấp hơn mức đỉnh 39 vụ của năm 2020.
Điều đáng nói, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép, nhôm, thủy sản, gỗ bị điều tra, mà ngay cả các mặt hàng nhỏ như đĩa giấy – với kim ngạch chỉ khoảng 9 triệu USD cũng lọt vào tầm ngắm phòng vệ.
Chỉ riêng 15 ngày cuối cùng của năm 2024, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra phòng vệ 3 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Gồm: Điều tra chống bán phá giá đối với sợi nylon filament yarn có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam. Khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Vụ việc thứ 3 là khởi xướng điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim nhập khẩu vào Ấn Độ.