Đầu tư
Nắm “chân tơ kẽ tóc” từng dự án, công trình
Mạnh Bôn - 03/02/2015 13:40
Đầu tuần này, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bắt đầu khởi động điều tra vốn đầu tư phát triển thường niên lần thứ tư theo tần suất 5 năm/lần nhằm đánh giá toàn diện thực trạng đầu tư phát triển toàn xã hội trên phạm vi cả nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội dành 100 tỷ đồng cho các dự án cấp bách
Nhận diện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015
Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015

Kết thúc vào ngày 30/4/2015, cuộc điều tra sẽ cung cấp kết quả đánh giá cho các cấp, ngành xây dựng kế hoạch huy động vốn và định hướng chính sách đầu tư, lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm. Cuộc điều tra còn nhằm phục vụ việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi cả nước, cũng như từng địa phương.

Hiện các cơ quan chức năng đã bắt tay xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020

Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào ba yếu tố gồm xuất khẩu tài nguyên thô, lao động giá rẻ và nguồn vốn đầu tư. Chính vì vậy, cuộc điều tra lần này sẽ giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện về một trong ba yếu tố nói trên, từ đó có biện pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Cuộc điều tra sẽ giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện về một trong ba yếu tố nói trên, từ đó có biện pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách/tổng chi ngân sách và tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP thời gian qua có xu hướng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm và trong cả giai đoạn 2011 - 2015.

Đơn cử, nếu giai đoạn 2005 - 2010, vốn đầu tư phát triển/tổng chi đạt bình quân 32%, thì đến năm 2010 giảm xuống còn 21,6%, năm 2011 còn 20,9%, năm 2012 còn 19,9%. Đặc biệt, trong năm 2013, năm 2014 và dự kiến năm 2015, tỷ trọng này còn tương ứng 17,9%; 16,2% và 17,1%. Còn so với GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 31%, thấp xa so với mục tiêu 33,5 - 35% GDP như mục tiêu đã đặt ra.

Trong khi hai yếu tố còn lại không còn nhiều dư địa cho phát triển kinh tế, thì sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài ngân sách là nguyên nhân cơ bản tác động tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015.

Hiện các cơ quan chức năng đã bắt tay xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, với dự kiến, năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,5% thay vì 6,2% của năm nay, năm 2017 đạt 6,7%. Trong khi lạm phát được duy trì ở mức tối đa 5%, thì bội chi ngân sách nhà nước giảm dần từ 5% hiện nay xuống còn 4% vào năm 2020.

Dưới góc độ là cơ quan tổng hợp số liệu phục vụ các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và từng năm, cuộc điều tra vốn đầu tư phát triển của Tổng cục Thống kê lần này không thể đưa ra con số chung chung, mà phải làm rõ “chân tơ kẽ tóc” từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước; thông tin chi tiết về cơ quan ban hành quyết định đầu tư, loại dự án, thời gian khởi công/hoàn thành, mục đích đầu tư, tổng nguồn vốn đã thực hiện…

Chỉ khi làm rõ được toàn bộ thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư toàn xã hội, thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để trả lời câu hỏi trong giai đoạn tới, đầu tư phát triển cần bao nhiêu tiền, đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào, đầu tư vào những dự án nào; huy động vốn ở đâu, lãi suất bao nhiêu, thời gian bao lâu… để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời không gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ trong và ngoài nước, làm tăng gánh nặng nợ công.

Không những thế, cuộc điều tra vốn đầu tư phát triển lần này còn phải đưa ra các cơ sở dữ liệu quan trọng để Chính phủ lên kế hoạch huy động vốn ODA, huy động vốn trên thị trường quốc tế, hoặc đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động vốn; phát triển thị trường trái phiếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và Chính phủ huy động vốn.... Và chỉ khi nắm được “chân tơ kẽ tóc” từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, thì Quốc hội mới mạnh dạn tăng mức huy động vốn cho địa phương khi thông qua Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi tại Kỳ họp thứ tám mà không sợ đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả đã từng là căn bệnh kinh niên trong đầu tư phát triển của địa phương trong nhiều năm qua.

Tin liên quan
Tin khác