CTCP GTNFoods dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 15/2 tới đây. Theo kế hoạch trình cổ đông, GTNFoods đặt mục tiêu thu về 2.909 tỷ đồng doanh thu và 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Dù tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu chỉ ở mức 3,33%, nhưng vẫn cải thiện đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2019.
Khoản lỗ 58 tỷ đồng trong quý IV gấp hơn 2 lần cùng kỳ do tăng chi phí dự phòng đã kéo lợi nhuận năm 2019 xuống 15 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 6% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 61 tỷ đồng. Việc thua lỗ trong quý vừa qua xuất phát từ hoạt động thoái vốn, tái cấu trúc tại công ty con. “Công ty hiện có cấu trúc đơn giản, lượng tiền mặt lớn để sẵn sàng đầu tư vào các dự án và tập trung vào hoạt động chuyên sâu vào ngành nghề có thế mạnh là sữa”, ông Tạ Văn Quyền, Chủ tịch HĐQT GTNFoods cũng giải thích thêm.
Với quy mô vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu GTN năm 2019 âm 246 đồng. Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 trình cổ đông cũng sẽ không tính đến việc chi trả cổ tức. Cổ đông lớn nhất của GTNFoods hiện nay là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã 3.447 tỷ đồng để sở hữu 75% vốn doanh nghiệp này. Dù không được nhận đồng cổ tức nào trong năm nay, báo cáo mới đây của Vinamilk cho biết thương vụ sáp nhập đã giúp công ty có bước tiến lớn về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi. Quy mô đàn bò do Vinamilk và Mộc Châu Milk quán lý và khai thác sữa đạt khoảng 157.500 con.
Từ đầu năm 2020, các nhân sự cua Vinamilk đã chính thức tham gia vào ban điều hành tại cả hai đơn vị này. Dự kiến, tại ĐHĐCĐ thường niên giữa tháng 2 tới, GTNFoods sẽ bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát mới sau khi rút ngắn nhiệm kỳ cũ.
Cắt gọt các khoản phải thu, gần 2.000 tỷ đồng tiền mặt trữ sẵn
Cơ cấu tài sản của GTNFoods đã có sự thay đổi đáng kể trong đợt tái cấu trúc hồi quý IV vừa qua. Hai khoản phải thu lớn gồm phần trả trước tiền mua cổ phần và phải thu về cổ phần hóa (480 tỷ đồng) đều được xử lý dứt điểm, không còn nợ đọng. Nhiều doanh nghiệp do GTNFoods góp vốn, mua lại đã thoái sạch vốn. Trong danh sách thoái vốn này còn có cả Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), CTCP Lâm nghiệp Sài gòn (Forimex) mà công ty đã mua thời điểm mới cổ phần hóa. Ngược lại, sau thoái vốn, các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng tăng từ 1.110 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Một trong các nội dung được trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên lần này là báo cáo tình hình sử dụng vốn trong 2 đợt phát hành năm 2016, đưa vốn điều lệ từ 748 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn gần nhất và cũng là lớn nhất của GTNFoods từ khi thành lập đến nay. Phần lớn số tiền trên được sử dụng để mua cổ phần Vinatea, Forimex trong năm 2016 và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) – đơn vị sở hữu cổ phần chi phối Mộc Châu Milk rải trong các năm 2016-2018. Ngoài ra, tiền huy động về còn được sử dụng để chi trả nợ vay gốc và lãi. Gần 53 tỷ đồng được chi ra cho chi phí môi giới, phát hành cổ phiếu.