Đầu tư
Nam Định xây dựng môi trường đổi mới, hướng tới nhà đầu tư
Ngô Gia Tự - 25/12/2015 15:17
Nhà đầu tư về với Nam Định được lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp. Thủ tục đầu tư được giải quyết tại một cơ quan đầu mối, thời gian rút ngắn tối đa và nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào, trừ những khoản lệ phí theo quy định.
Nhiều công trình giao thông trên địa bàn Nam Định được khởi công làm tăng sức hút đầu tư của tỉnh

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, Nam Định đã có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới hiện đại, đồng bộ, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi Hà Nội, cũng như cảng biển Hải Phòng chỉ còn khoảng 1 giờ đồng hồ. Đường cao tốc Ninh Bình - Hà Nội, đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý vừa được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp 1, cấp 2 đồng bằng, tới đây sẽ nâng cấp lên đường cao tốc. Một loạt quốc lộ trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư nâng cấp. Thời gian tới, Nam Định được Chính phủ cho phép đầu tư đường nối từ Cao Bồ về Khu kinh tế Ninh Cơ. Ngoài ra, Nam Định còn có 42 km đường sắt xuyên Việt, với 6 nhà ga, 72 km bờ biển và cảng biển Thịnh Long với công suất  300.000 tấn/năm và sẽ được nâng cấp thành cảng biển thương mại tổng hợp với công suất 4,5 triệu tấn/năm.

Nam Định có hạ tầng điện, nước, viễn thông được đầu tư hoàn chỉnh. Các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn và khu nhà ở cho công nhân. Các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, y tế, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Nam Định có lực lượng lao động trẻ, dồi dào; số trong độ tuổi lao động khoảng 1 triệu người, có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ trọng lớn.

Trong giai đoạn đến năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, nhất là ưu đãi các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao và đầu tư về địa bàn nông thôn, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp theo công nghệ sạch, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, sản xuất cơ khí nông nghiệp, đóng tàu, dược phẩm, điện, điện tử, tin học và phát triển du lịch, dịch vụ... Đặc biệt, Nam Định chú trọng kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ và một loạt hạng mục công trình trong khu kinh tế như nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu du lịch Rạng Đông, khu nghỉ dưỡng, sân golf, nâng cấp cảng biển Thịnh Long...

Nhà đầu tư về với Nam Định được lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp, được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu đãi đầu tư và trong khu công nghiệp được tỉnh hỗ trợ một phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động, xây dựng nhà ở công nhân, chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng được tỉnh phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù. Thủ tục đầu tư được giải quyết tại một cơ quan đầu mối, thời gian rút ngắn tối đa và nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào, trừ những khoản lệ phí theo quy định.

Đến năm 2020, Nam Định tập trung phát triển những ngành chủ yếu như công nghiệp dệt, may với các sản phẩm đồng bộ từ khâu kéo sợi, dệt vải, đến may mặc, các nguyên, phụ liệu..., chú trọng đầu tư hình thành những sản phẩm may cao cấp, có thương hiệu riêng. Chuyển dịch các đơn vị may gia công về nông thôn, ưu tiên các khu công nghiệp ở khu vực thành phố cho phát triển ngành sợi, dệt vải, nhuộm, may thời trang cao cấp. Từng bước xây dựng Nam Định trở thành trung tâm dệt may lớn của cả nước. Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, điện, gia công kim loại với các sản phẩm chính là thiết bị, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng; sửa chữa, đóng mới tàu thủy; sản xuất phụ tùng, lắp ráp ô tô, xe máy; linh kiện điện tử... Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống với các sản phẩm tôm, thịt đông lạnh, rau quả xuất khẩu, bia, nước giải khát. Tập trung phát triển đầu tư chiều sâu công nghiệp dược, phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh của cả nước.      

Tập trung phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao. Tạo điều kiện để công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp thu hút nhiều lao động dịch chuyển về vùng nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và giải quyết việc làm. Xây dựng và quảng bá các thương hiệu sản phẩm công nghiệp...

Tin liên quan
Tin khác