Kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng qua có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đ.T |
“Đá tảng” bắt đầu nhúc nhích
Thông tin tràn ngập trên báo chí những ngày gần đây, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến được khởi công vào cuối quý III năm nay. Với tổng chiều dài toàn tuyến là 99 km, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án thành phần của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam cửa ngõ phía Đông.
Sẽ không có gì đáng nói nếu dự án này không được chuẩn bị từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai, dù đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm. “Hòn đá tảng” này chỉ bắt đầu nhúc nhích khi Chính phủ đã rất quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chính phủ thậm chí đã xây dựng phương án chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 8 dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đang tích cực chuẩn bị các thủ tục cần thiết để ngay sau khi được Quốc hội thông qua, có thể bắt tay vào xây dựng.
Không chỉ các dự án trọng điểm “nhúc nhích”, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đến hết ngày 30/4/2020 là trên 89.300 tỷ đồng, đạt 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 17,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Như vậy, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng qua có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4/2020, giải ngân vốn đầu tư công có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức ngày 10/4/2020. Con số là 27.721 tỷ đồng, tăng 25% so với bình quân giải ngân 3 tháng đầu năm.
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công “vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm nay phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng (bao gồm cả phần vốn chuyển nguồn từ năm ngoái - PV), không được để tình trạng trì trệ, chậm trễ như thời gian vừa qua. “Việc giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là vô cùng quan trọng. Phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được; không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn”, Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy.
Tiêu sao cho hết 700.000 tỷ đồng?
Tiền có sẵn, chỉ việc tiêu, nhưng tiêu sao cho hết 700.000 tỷ đồng là một bài toán khó. Một con số được Tổng cục Thống kê chỉ ra, nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, giải ngân được 97,8% kế hoạch, thì sang năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%. Năm nay, con số 700.000 tỷ đồng còn bao gồm cả vốn kế hoạch (khoảng 460.000 tỷ đồng) và vốn chuyển nguồn.
Trong 4 tháng đầu năm, mới chỉ có 89.000 tỷ đồng được tiêu. Có nghĩa là, 8 tháng còn lại, sẽ phải “tiêu” hết 611.000 tỷ đồng. Đây là một bài toán khó. Khó nên nhiều năm nay, Thủ tướng Chính phủ luôn sốt ruột, vì sao “có tiền mà không tiêu được?”.
Và có lẽ, đấy cũng chính là lý do vì sao, trong Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, thì rất nhiều giải pháp liên quan đến đầu tư công được đề cập.
Chẳng hạn, cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020; điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Các biện pháp chủ động điều chuyển vốn của các dự án chậm triển khai sang các dự án giải ngân nhanh hơn cũng dự kiến được thực hiện. Bên cạnh đó, cùng với việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công cho 8 dự án cấp bách, thì việc rà soát các quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, kiến nghị sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng được cân nhắc.
Trên thực tế, ngoài các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, việc điều chỉnh các quy định về tỷ lệ nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách… được cho là rất quan trọng. Đây là chiếc “vòng kim cô” khiến lâu nay, đầu tư công khó có thể bật tăng. “Tôi luôn muốn đẩy mạnh đầu tư công để quy mô GDP lớn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói như vậy.
Còn chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, nếu cứ khăng khăng lo trần nợ công, không đầu tư, thì không phát triển được. Một khi quy mô GDP tăng lên, thì tỷ lệ nợ công theo đó sẽ giảm đi.
Để nền kinh tế có thể phục hồi theo mô hình chữ V, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 5 mũi giáp công, bao gồm đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Trong số này, “cửa” sáng nhất thuộc về đầu tư công, vì vừa sẵn tiền và Chính phủ cũng sẵn sàng tạo cơ chế để thúc đẩy giải ngân.
Thêm nữa, điều quan trọng, giải ngân đầu tư công chỉ phụ thuộc chính ta, chứ không phụ thuộc ở thị trường bên ngoài. Vì thế, ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, năm nay, thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào đầu tư công.