- Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vọt tăng trong quý II, rủi ro bắt đầu hiện hữu
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 1: Cỗ máy “3 không” hút tiền khủng cho doanh nghiệp
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 2: Những thương vụ “ma” làm méo thị trường
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 3: Đừng để doanh nghiệp lớn và ngân hàng “độc chiếm vốn”
6 tháng đầu năm, vẫn có một lượng tiền rất lớn được đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp |
Khối lượng phát hành riêng lẻ giảm dần
Theo thống kê của PGS-TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thực hiện 306 đợt phát hành trái phiếu, trong đó có 293 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 176.828 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2020 và 13 đợt phát hành ra công chúng thu về 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành ra công chúng của năm 2020 (không kể phát hành trái phiếu quốc tế của Tập đoàn Vingroup Công ty cổ phần Bất động sản BIM).
Nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng; nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn xếp vị trí thứ 2 về khối lượng phát hành, nhưng đã giảm mạnh (giảm 12%) so với cùng kỳ năm 2020, khi chỉ phát hành được 61.988 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thế Anh, khối lượng phát hành trái phiếu ra công chúng mặc dù còn khiêm tốn so với phát hành riêng lẻ, nhưng đã đạt 8% tổng khối lượng phát hành, cao hơn so với tỷ lệ 6% của năm 2020. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã bước đầu lựa chọn phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn, thay vì chỉ phát hành riêng lẻ. Đây là tín hiệu tốt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần tăng tính công khai, minh bạch và giảm thiểu rủi ro.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), kể từ đầu năm 2021, các quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có tác động mạnh đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, như hạn chế nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; giảm tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng phát hành ra công chúng.
Cũng theo ông Dương, kể từ năm 2021, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bắt buộc phải được cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường trái phiếu (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cấp phép khi doanh nghiệp đáp ứng được nhiều yêu cầu bắt buộc, như phải có lãi; phải được xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; sau khi phát hành, doanh nghiệp phải niêm yết, giao dịch trái phiếu trên thị trường chứng khoán…
Đừng mua trái phiếu chỉ qua môi giới
Mặc dù hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thắt chặt, song nhìn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn có một lượng tiền rất lớn được đổ vào thị trường này, trong đó có cả vốn vay ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Theo ông Thế Anh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tuyệt đại đa số doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, nhu cầu vay vốn giảm mạnh, nhưng 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 5,47%, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 2,45%), trong khi Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng cho vay chứng khoán và bất động sản tăng rất thấp. Như vậy, chắc chắn có một lượng tiền không nhỏ đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, hiện có một lượng tiền rất lớn đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến rủi ro cho thị trường tài chính và bất ổn cho nền kinh tế.
“Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động huy động thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hiếu đề xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết, theo quy định, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý rằng, lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, nên phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin như trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không; cam kết của doanh nghiệp phát hành; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Dương khuyến cáo.
Theo ông Dương, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Lý do là, các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, chứ không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không”, ông Dương khuyến cáo.